Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)

http://ksbthoabinh.vn


VIÊM HỌNG HẠT NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG BỆNH

VIÊM HỌNG HẠT NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG BỆNH
1. Viêm họng hạt là gì?
Viêm họng hạt là một dạng tiêu biểu của viêm họng mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng viêm nhiễm kéo dài liên tục khiến niêm mạc bị sung huyết và xuất tiết liên tục khiến cho cơ thể bị suy yếu dễ dàng bị virus hoặc vi khuẩn tấn công, từ đó hình thành các hạt màu đỏ hoặc hồng ở thành sau họng.
Bệnh phát triển ở những người bị viêm họng tái phát nhiều lần, dai dẳng vì vậy rất khó trị dứt điểm và dễ tái phát. Bệnh viêm họng hạt có thể khởi phát đơn độc hoặc đi kèm với các bệnh lý đường hô hấp khác như viêm xoang mãn tính, viêm khí phế quản mãn tính…
Viêm họng hạt cần điều trị đúng cách và kịp thời để tránh phát triển các bệnh đường hô hấp liên quan như viêm mũi, viêm xoang mãn tính, viêm khí phế quản mãn tính, viêm tấy, áp xe amidan hoặc thành họng... Dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng tim… thậm chí gây ra các tình trạng bệnh nguy hiểm như viêm phổi hoặc ung thư vòm họng.
2. Nguyên nhân viêm họng hạt
Các nguyên nhân chính gây nên tình trạng viêm họng hạt bao gồm: Nhiễm virus, vi khuẩn hoặc nấm. Do viêm xoang mãn tính, khiến dịch nhầy ở xoang chảy xuống thành họng gây nên tình trạng viêm nhiễm. Do viêm amidan mãn tính. Do bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), dịch dạ dày chảy vào họng gây viêm nhiễm.
Sinh hoạt hoặc thường xuyên tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, hóa chất, khói thuốc lá hoặc sử dụng bia rượu, chất kích thích thường xuyên… Hệ miễn dịch kém, cơ địa nhạy cảm hoặc có tiền sử mắc các bệnh di truyền miễn dịch...
3. Triệu chứng của viêm họng hạt
Luôn có cảm giác vướng víu, ngứa và khô họng, đặc biệt sau khi ngủ dậy.
Thành họng xuất hiện các hạt đỏ, hồng lồi cao hơn so với niêm mạc xung quanh. Có cảm giác đau, nghẹn khi nuốt thức ăn, uống nước hoặc thậm chí là nuốt nước bọt.
Đờm đặc quánh, màu trắng đục. Cổ nổi hạch, sờ thấy cứng, có thể bị sốt cao trên 38 độ C. Khàn giọng sau khi phải giao tiếp trong thời gian dài...
4. Các biện pháp phòng bệnh viêm họng hạt:
Cần điều trị dứt điểm các bệnh lý đường hô hấp liên quan, tránh bệnh phát triển giai dẳng dẫn đến viêm họng hạt. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ: đánh răng 2 lần/ngày, súc miệng với nước muối thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn trong miệng. Tránh tiếp xúc hoặc sinh hoạt trong môi trường có các yếu tố kích ứng như hóa chất độc hại, khói thuốc lá, phấn hoa,...
Hạn chế sử dụng các chất kích thích, thuốc lá, đồ uống có cồn hoặc ăn các thực phẩm nhiều gia vị, dầu mỡ. Với những người có hệ miễn dịch kém, dễ bị virus hoặc vi khuẩn tấn công, nên tiêm các loại vắc-xin để làm giảm nguy cơ viêm nhiễm và mắc các bệnh đường hô hấp. Tránh tiếp xúc với những người đang có bệnh đường hô hấp để tránh lây lan virus vi khuẩn từ người sang người. Khi có các triệu chứng của viêm họng hạt cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

               Viêm họng hạt

                                                                   Thuỳ Dung (CDC Hoà Bình)
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây