Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)

http://ksbthoabinh.vn


BỆNH LAO HOÀN TOÀN CÓ THỂ CHỮA KHỎI

BỆNH LAO HOÀN TOÀN CÓ THỂ CHỮA KHỎI
Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài, âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan trong cộng đồng.
Bệnh lao là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.000 người tử vong vì bệnh lao và gần 30.000 người mắc lao. Người bị bệnh lao, phổi sẽ bị tổn thương, hệ miễn dịch bị suy giảm nên khi nhiễm COVID-19 sẽ nặng hơn so với người khỏe mạnh. Chính vì vậy, càng cần phát hiện sớm, chủ động phòng ngừa bệnh lao và tuân thủ triệt để quá trình điều trị.
Bệnh nhân BVT. (xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy) cách đây 3 tháng bệnh nhân có các triệu chứng ho, khó thở, sụt cân. Ông cho biết “Nhờ tìm hiểu thông tin qua báo đài và cán bộ y tế địa phương tuyên truyền thì cũng đã biết đến bệnh lao. Khi phát hiện có những triệu chứng nghi ngờ nên tôi đã đến ngay trạm y tế để khám bệnh. Tại trạm, được các cán bộ tư vấn lên Trung tâm Y tế huyện lấy mẫu đờm làm các xét nghiệm. Nhờ được phát hiện sớm, luôn uống thuốc đúng giờ, tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Nên qua gần 2 tháng điều trị tôi đã cảm giác như khỏi hẳn và được về nhà tiếp tục điều trị”. Chúng tôi cũng đã gặp một số người bệnh tương tự như ông T đã điều trị theo đúng hướng dẫn của Bác sỹ điều trị và điều trị đủ thời gian được kiểm tra lại sức khoẻ, xét nghiệm kết quả bệnh đã khỏi hoàn toàn.

Tư vấn, khám sàng lọc bệnh lao cho người dân tại huyện Lạc Thủy
Để chữa khỏi, tránh để Lao kháng thuốc, hạn chế biến chứng để lại hậu quả nặng nề và tử vong, đồng thời cắt đứt nguồn lây vi khuẩn lao cho cộng đồng, thì việc quan trọng cần thực hiện là phải tuân thủ các nguyên tắc điều trị:
Phải dùng thuốc đúng liều: Các thuốc chống lao tác dụng hiệp đồng, mỗi thuốc có một nồng độ tác dụng nhất định. Nếu dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, nếu dùng liều cao dễ gây tai biến. Đối với lao trẻ em cần được điều chỉnh liều thuốc hàng tháng theo cân nặng. Do đó cần tuân thủ đúng liều lượng do bác sỹ chỉ định; thường xuyên liên hệ với Bác sỹ điều trị trong thời gian đã được xuất viện về nhà tiếp tục điều trị ngoại trú.
Phải dùng thuốc đều đặn: Các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để đạt hấp thu thuốc tối đa.
Phải dùng thuốc đủ thời gian và theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì: Giai đoạn tấn công kéo dài 2, 3 tháng nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương để ngăn chặn các vi khuẩn lao đột biến kháng thuốc. Giai đoạn duy trì kéo dài 4 đến 6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát. Với bệnh lao đa kháng: Phác đồ điều trị chuẩn ngắn hạn từ 9 -11 tháng có giai đoạn tấn công 4-6 tháng, phác đồ điều trị chuẩn 20 tháng có thời gian tấn công 8 tháng.
Để phòng, chống bệnh lao trong bối cảnh hiện nay, bất kỳ ai khi có biểu hiện: Ho kéo dài trên 2 tuần, sốt về chiều, sụt cân, ăn uống kém…, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác, tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng dịch bệnh nói chung và bệnh Lao nói riêng và đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, tư vấn kịp thời. Nếu phát hiện mắc bệnh Lao, cần tuân thủ uống thuốc theo phác đồ; thực hiện uống thuốc đầy đủ, đúng giờ, đủ thời gian theo hướng dẫn của bác sỹ.
Hiện nay Chương trình Chống lao Quốc Gia cung cấp đầy đủ và miễn phí các thuốc chống lao đảm bảo chất lượng cho những bệnh nhân điều trị lao tại các tuyến trên toàn quốc.
                                                                                               Thu Hương (CDC Hòa Bình)
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây