Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)

http://ksbthoabinh.vn


CÁCH PHÒNG CHỐNG BỆNH TIÊU CHẢY CHO TRẺ

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu năm đến nay có khoảng 2.500 ca bệnh nhân đến khám vì tiêu chảy và khoảng 1.000 ca  nhập viện điều trị. Có thể nói đây là con số tương đối cao, mà cao điểm nhất là tháng 10 vừa qua, số lượng bệnh nhân nhập viện rất đông gây nên tình trạng quá tải, bệnh nhân đã phải nằm ghép  phòng, ghép giường trong quá trình điều trị …
Đến Khoa Nhi, BVĐK tỉnh tôi đã được bác sĩ: Trần Hồng Thảo đưa đi thăm các buồng bệnh, tại đây tôi đã được chứng kiến có rất nhiều bệnh nhân nhi đang được đội ngũ các y, bác sĩ theo dõi và điều trị bệnh. Tôi cũng có dịp được tiếp xúc với 02 bệnh nhân sinh đôi Lường Phương Anh và Lường Hà Anh – 13 tháng tuổi, cư trú tại xã Đồng Ruộng – huyện Đà Bắc. Mẹ của bệnh nhân, chị Nguyễn Thị Chu chia sẻ: “Lúc đầu 2 con tôi chỉ bị cảm cúm và ho. Tôi đã cho các con đi khám và uống thuốc nhưng không khỏi. Sau đó, các con tôi lại tiếp tục bị tiêu chảy và sốt, vì vậy gia đình đã đưa các cháu xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám và được tiếp nhận vào điều trị tại Khoa Nhi. Sau khi được cấp cứu và điều trị 5 ngày sau các con tôi đã dần ổn định, không còn sốt và không còn đi ngoài như trước nữa”.
Bệnh tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng ba lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày, với các triệu chứng kèm theo là nôn, mất nước, rối loạn điện giải, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Nói về các dấu hiệu nhận biết trẻ bị tiêu chảy như thế nào, Bác sĩ: Trần Hồng Thảo cho biết: Sau khi bị lây nhiễm khoảng 1 – 2 ngày trẻ có các triệu chứng như: nôn ói và tiêu chảy. Nôn xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6 – 12 giờ và có thể kéo dài từ 2 – 3 ngày. Ngày đầu trẻ sẽ nôn rất nhiều và bắt đầu giảm bớt khi bắt đầu tiêu chảy. Phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh, mùi rất tanh không có máu. Phân chảy càng ngày càng tăng trong vài ngày sau đó giảm dần, kéo dài từ 3 – 9 ngày. Ngoài ra, trẻ còn bị sốt, đau bụng, có thể có thêm ho và chảy nước mũi. Để xác định bệnh trẻ cần được làm xét nghiệm xem có dương tính với vi rút Rota hay không. Khi trẻ sốt cao rất dễ bị mất nước, nếu không được chăm sóc thích hợp trẻ có thể bị trụy mạch và tử vong”.
Bệnh tiêu chảy có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, nhất là ở những khu vực dân cư đông người, sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt. Bệnh hay bùng phát vào mùa hè, khi thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy, trong đó có nguyên nhân do vi rút, vi khuẩn, nguy hiểm nhất là tiêu chảy do phẩy khuẩn Tả (còn gọi là bệnh Tả). Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, bệnh có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân.
Vì vậy, để phòng chống bệnh tiêu chảy bác sĩ Trần Hồng Thảo đưa ra khuyến cáo: “Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người dân biết cách vệ sinh nguồn nước, ăn chín uống sôi, rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và vệ sinh dụng ăn uống cho trẻ em. Vệ sinh phòng dịch như: sát khuẩn chất thải và đồ dùng liên quan đến bệnh nhân. Đồng thời, phòng bệnh chủ động bằng cách uống dự phòng vắc xin Rota càng sớm càng tốt. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, người mẹ cần phải giữ gìn vệ sinh tốt trong thời kỳ cho con bú…”

ảnh
Bác sĩ Trần Hồng Thảo đang theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân


Minh Thủy (CDC Hòa Bình)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây