Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)

http://ksbthoabinh.vn


HỘI NGHỊ CHƯƠNG TRÌNH MỞ RỘNG QUY MÔ NƯỚC SẠCH VỆ SINH NÔNG THÔN

HỘI NGHỊ CHƯƠNG TRÌNH MỞ RỘNG QUY MÔ NƯỚC SẠCH VỆ SINH NÔNG THÔN
Chiều ngày 3/6, Sở Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai hợp phần vệ sinh thuộc Chương trình “Mở rộng quy mô nước sạch và Vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả” vốn vay Ngân hàng Thế giới năm 2022. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Hoàng Thị Thủy – Phó giám đốc Sở y tế; lãnh đạo Sở Nông Nghiệp và PTNT, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Lãnh đạo UBND các huyện; Lãnh đạo và cán bộ Khoa Y tế công cộng Trung tâm y tế các huyện.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm 2018-2022 đã cải tạo được 85 công trình nước, nhà tiêu hợp vệ sinh trạm y tế. Toàn tỉnh có 215.143 hộ gia đình, trong đó có 214.425 hộ gia đình có nhà tiêu (đạt 98,74%); 180.095 hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm 83,71% (tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó nhà tiêu tự hoại hợp vệ sinh chiến 77,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh cũng phân bố không đồng đều giữa các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; trong đó Thành Phố và Lạc Thủy chiếm tỷ lệ cao nhất (tương ứng với 96,49% và 86,75%), thấp nhất là 2 huyện Kim Bôi và Đà Bắc với tỷ lệ lần lượt là 76,98% và 67,92%. Tại nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình thấp. Việc rửa tay với xà phòng vẫn chưa thành thói quen của nhiều người dân.
Một trong những khó khăn của Chương trình là do cuối năm 2021 là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại tỉnh Hòa Bình. Do đó, gây khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động tập trung đông người, các hội nghị, các hoạt động truyền thông và giám sát. Nhân lực được ưu tiên cho hoạt động chống dịch, do đó thiếu nhân lực cho việc thực hiện các hoạt động của Chương trình.
Hội nghị đã tập trung thảo luận các khó khăn và giải pháp thực hiện để hoàn thành mục tiêu và kế hoạch năm 2022. Trong đó, cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vê sinh môi trường, tăng cường tiếp cận bền vững vệ sinh nông thôn; Tăng tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; Tăng tỷ lệ Trạm Y tế có nhà tiêu và nước. Hoàn thành các mục tiêu: 100% hộ dân trong 08 xã “Vệ sinh toàn xã bền vững” được tuyên truyền, vận động xây và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thông qua cung cấp thông tin về các loại nhà tiêu hợp vệ sinh, cũng như cách sử dụng và bảo quản nhà tiêu đúng quy cách; 100% hộ dân trong 08 xã “Vệ sinh toàn xã bền vững” được cung cấp kiến thức về vệ sinh cá nhân và rửa tay với xà phòng và nước sạch vào các thời điểm quan trọng; 100% giáo viên và học sinh các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (không kể các điểm trường) trong 08 xã “Vệ sinh toàn xã bền vững” được cung cấp kiến thức về sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh đúng quy cách, rửa tay với xà phòng và nước sạch vào các thời điểm quan trọng; 08 Trạm Y tế xã của 04 huyện có công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, điểm rửa tay đang sử dụng được. 100% các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập (các điểm trường chính) của 08 xã triển khai xã vệ sinh bền vững có công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, điểm rửa tay đang sử dụng được.


Đồng chí Trần Thị Ái Hương – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh nông thôn
                                                                 Kim Tuất – CDC Hòa Bình


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây