Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)

http://ksbthoabinh.vn


TỔNG KẾT CÔNG TÁC DÂN SỐ NĂM 2021 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2022

Sáng 13/01/2022, Tổng cục Dân số- KHHGĐ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân số năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì điểm cầu tại Hà Nội. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có đại diện Sở Y tế; Lãnh đạo Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh; đại diện các Sở, ngành liên quan là thành viên Ban Chỉ đạo công tác dân số tỉnh.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025 triển khai đồng bộ chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 theo Nghị quyết 21/NQ-TW khóa XII của Đảng. Với tinh thần chủ động, quyết liệt, phát huy 60 năm truyền thống, đội ngũ cán bộ làm cộng tác dân số trong cả nước đã nỗ lực vượt khó, cố gắng thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong cả nước, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tổ chức bộ máy làm công tác dân số từng bước kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ở cả trung ương và địa phương. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch: về giảm thiểu mất cần bằng giới tính khi sinh, có 36 tỉnh đạt chỉ tiêu kế hoạch. Về điều chinh mức sinh, ước tính tổng tỷ suất sinh là 2,11 con/phụ nữ, đạt kế hoạch đề ra.
Về tầm soát, sảng lọc trước sinh và sơ sinh, ước tính tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh là 60,78%, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Có 44/60 tỉnh đạt chỉ tiêu kế hoạch, 16/60 tỉnh không đạt. Đã có 748.061 bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh bằng kỹ thuật siêu âm; trong đó 110.361 bà mẹ được sàng lọc bằng kỹ thuật xét nghiệm. Ước  tính tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh là 50%, không đạt kế hoach đề ra. Đã có 574.499 số trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh bằng xét nghiệm mẫu máu gót chân sơ sinh 02 bệnh.
Các hoạt động truyền thông và cung ứng dịch vụ dân số bị gián đoạn, mức sinh có dấu hiệu tăng do bị tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19; nhiều địa phương tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác dân số, bao gồm cả mạng lưới cộng tác viên dân số. Một số văn bản, hướng dẫn thực hiện công tác dân số ban hành chậm, không đồng bộ. Kinh phí đầu tư bị cắt giảm sau khi kết thúc Chương trình mục tiêu y tế - dân số. Chất lượng thông tin, số liệu chuyên ngành dân số chưa đáp ứng yêu cầu.
Chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 với các nội dung: Tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh) là 73,8 tuổi; Tỷ số giới tính khi sinh: 111,4 số bé trai/100 bé gái sinh ra sống; Tổng tỷ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ; Giảm tỷ số giới tính khi sinh (-SRB): -0,1 điểm phần trăm so với năm 2021; Điều chỉnh mức sinh so với năm 2021; Tổng số người mới sử dụng BPTT hiện đại trong năm 5.199.400 người; Tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát sàng lọc trước sinh là 60%; Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát sàng lọc sơ sinh là 55%; Tăng tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn: 8% so với năm 2021; Tăng tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1lần/năm: 10% so với năm 2021;…
Hội nghị nhận được nhiều tham luận từ các tỉnh, thành về những kinh nghiệm thực tiễn; khó khăn, bất cập trong triển khai công tác dân số; công tác tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành; ổn định bộ máy dân số; triển khai đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tham mưu đề nghị địa phương hỗ trợ ngân sách …
Phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 qua 4 đợt dịch, tất cả cán bộ y tế- dân số cơ sở đã được huy động để dốc sức chống dịch. Công tác dân số cả nước năm 2021 tuy gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên những kết quả đạt được trong duy trì mức sinh thay thế, duy chỉ chỉ số giới tính khi sinh, làm tốt việc tầm soát dị tật cho bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh … là những kết quả rất đáng ghi nhận của ngành dân số. Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số. Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; Mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.  Tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số.

Tin, ảnh: Kim Tuất – CDC Hòa Bình
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây