Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)

http://ksbthoabinh.vn


TUÂN THỦ ĐIỀU TRỊ BỆNH LAO ĐỂ TRÁNH LÂY LAN RA CỘNG ĐỒNG

Bệnh Lao là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lao gây ra. Chỉ người mắc bệnh lao phổi mới là nguồn lây bệnh cho người khác qua đường không khí. Những quan niệm cho rằng bệnh lao là bệnh di truyền hay do làm việc quá sức đều là sai lầm. Bệnh lao có thể phòng và chữa khỏi nếu người bệnh được phát hiện sớm và chữa đúng cách.
Chúng tôi cùng đoàn công tác đến huyện Lương Sơn, hiện nay đang quản lý 25 bệnh nhân lao trên địa bàn. Chúng tôi đã được cán bộ phụ trách chương trình lao của TTYT huyện và Trạm y tế xã Nhuận Trạch đưa đến thăm bệnh nhân Nguyễn Văn Sơn – sinh năm 1962, cư trú tại xóm Suối Sếu A, xã Nhuận Trạch. Bệnh nhân Sơn cho biết, do bản thân bị mắc bệnh tiểu đường, sau đó bị đột quỵ, mắt bị mờ dần đi và bị ho (lúc đó chỉ nghĩ đến việc bản thân ông hút thuốc). Sau khi đến các cơ sở y tế mới phát hiện ra bị mắc bệnh Lao.
Những ngày đầu mới mắc bệnh, bản thân tôi cảm thấy rất mệt mỏi đến mức không đi được. Lúc đó tôi có cân nặng là 68kg, nhưng sau đó sút cân xuống 7 - 8kg. Gia đình đã đưa tôi đến bệnh viện Lao ở Vĩnh Phúc để khám và điều trị. Bây giờ sức khỏe của tôi đã dần ổn định và dần tăng cân trở lại, người khỏe mạnh hơn, sau khi kiểm soát đờm 3 lần đều âm tính. Hiện nay, tôi đã điều trị tại nhà được 5 tháng và luôn tuân thủ việc cách ly để tránh lây bệnh cho những người thân trong gia đình.
Hay trường hợp bệnh nhân: Trần Thanh Phương – Sinh năm 1956, cư trú tại thôn Đồng Sy, xã Nhuận Trạch. Bệnh nhân có biểu hiện ho, đau ngực, khó thở, người mệt mỏi, ko sốt, ho có đờm kéo dài hơn 2 tuần, sút cân. Đến bệnh viện khám được chẩn đoán Lao phổi dương tính, suy dinh dưỡng nặng. Sau khi điều trị, được xuất viện về nhà bệnh nhân vẫn tiếp tục tuân thủ phác đồ điều trị và cách ly đối với người thân trong gia đình. Hiện nay bệnh nhân đang điều trị tháng thứ 3, sức khỏe cũng dần ổn định.
Chia sẻ với chúng tôi, cử nhân điều dưỡng: Hoàng Thùy Duyên – cán bộ phụ trách chương trình Lao TYT xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn cho biết: “Đây là hai trong số các bệnh nhân có thẻ BHYT nên hàng tháng bệnh nhân được cấp đủ ngày theo số lượng thuốc, định kỳ chúng tôi có gọi điện hỏi thăm bệnh nhân về việc khi uống thuốc gặp phải tác dụng phụ gì không, bệnh nhân có tăng cân hay không và nhắc nhở bệnh nhân sắp đến ngày lấy thuốc định kỳ. Ngoài ra, chúng tôi còn đến thăm hộ gia đình để theo dõi, giám sát tại gia đình bệnh nhân và nắm bắt tình hình bệnh nhân để tư vấn được cụ thể hơn.”
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ đầu năm 2023 đến tháng 3/2023, toàn tỉnh Hòa Bình phát hiện và thu nhận 48 bệnh nhân lao. Trong đó có 35 bệnh nhân lao phổi dương tính; 6 bệnh nhân lao phổi âm tính và 07 bệnh nhân lao ngoài phổi. Vì vậy để phòng tránh lây lan bệnh lao ra cộng đồng cần thực hiện tiêm phòng lao cho trẻ lúc sơ sinh hoặc khi trẻ dưới 1 tuổi; phát hiện sớm người mắc bệnh lao và điều trị cho khỏi bệnh. Đặc biệt, khi điều trị cần thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ với nguyên tắc 3Đ: Dùng thuốc đúng liều lượng; Dùng thuốc đều đặn (uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để đạt hấp thu thuốc tối đa); Dùng thuốc đủ thời gian quy định (3 tháng hoặc 6 tháng). Cần tái khám hàng tháng tại cơ sở y tế và thông báo ngay cho cán bộ y tế khi thấy có những biểu hiện bất thường như buồn nôn, nôn, ù tai, chóng mặt, vàng da và chán ăn.
ảnh
Cán bộ y tế đang tư vấn cho bệnh nhân cách sử dụng thuốc điều trị bệnh lao tại hộ gia đình

Minh Thủy (CDC Hòa Bình)

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây