Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)

http://ksbthoabinh.vn


XỬ LÝ NƯỚC ĂN UỐNG VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG SAU BÃO LŨ

XỬ LÝ NƯỚC ĂN UỐNG VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG SAU BÃO LŨ
Trong khi bão lụt nước có thể ngập tràn, cuốn trôi theo mọi thứ gây ô nhiễm môi trường từ các chất thải như: cống rãnh, nhà tiêu, xác súc vật, chuồng gia súc, gia cầm, hóa chất, cây cối… làm nước và môi trường bị ô nhiễm. Vì vậy ngay khi nước rút, cần thực hiện các biện pháp xử lý nước và môi trường để tránh ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Dưới đây là cách xử lý nước và vệ sinh môi trường:
1. Xử lý nước ăn uống, sinh hoạt
Khi ngập lụt, cần sử dụng các nguồn nước sạch đã dự trữ sẵn như nước máy, nước mưa, nước đóng bình để ăn uống, sinh hoạt. Trong trường hợp ngập lụt kéo dài, không có nước sạch thì buộc phải xử lý nước tạm thời để sử dụng. Cần lựa chọn những điểm chưa bị ô nhiễm hoặc ít ô nhiễm nhất, cố gắng lấy nước càng xa bờ càng tốt để xử lý
Bước 1: Làm trong nước bằng phèn chua
Chuẩn bị phèn chua: Cứ 20 lít nước sử dụng 1g phèn chua. Hòa tan 1g phèn chua vào một gáo nước (khoảng 500ml). Đổ gáo nước đã hòa tan phèn chua vào xô đựng 20 lít nước cần xử lý, khuấy đều. Chờ khoảng  30phút cho cặn lắng xuống đáy xô, gạn lấy nước trong đổ vào một xô sạch khác để khử trùng.
Lọc nước bằng vải (nếu không có phèn chua):
Dùng vải sạch để lọc, giữ lại cặn bẩn. Loại bỏ cặn bẩn trên vải sau mỗi lần lọc. Lọc đi lọc lại vài lần đến khi nước trong.
Bước 2: Khử trùng nước
Nước đã làm trong có thể được khử trùng bằng hóa chất khử trùng nước có chứa clo hoạt tính hoặc bằng cách đun sôi.
Bằng hóa chất:
Chuẩn bị hóa chất: Sử dụng hóa chất chứa Clo hoạt tính theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Hoặc viên Aquatabs (67mg): Khử trùng cho 20 lít nước đã được làm trong. Cho 1 viên vào thùng đựng 20 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp chờ 30 phút có thể sử dụng được. Nước sau khi khử trùng được dự trữ trong dụng cụ chứa nước có nắp đậy để sử dụng dần.
Bằng cách đun sôi:
Nước phải được đun sôi ít nhất 1-2 phút kể từ lúc nước bắt đầu sôi.
2. Xử lý rác
Đối với các lán trại sơ tán: Đào các rãnh rộng 1 m, dài 1,5 m, sâu 2 m. Rác được đổ vào rãnh, hàng ngày rắc một lớp đất lên, khi đầy lấp bằng một lớp đất dày 40 cm lèn chặt.
Nếu có điều kiện: Cung cấp các thùng đựng rác 50 đến 100 lít tại các khu tập trung dân tránh lũ. Khi đầy thùng phải mang rác đi chôn hoặc đốt. Nếu ngập lụt kéo dài, có thể tổ chức các ghe, thuyền đi đến từng nhà thu gom rác về nơi xử lý tập trung. 


3. Xử lý phân người
Tìm những hộ gia đình có nhà tiêu chưa bị ngập để tạm dùng chung, tận dụng những chỗ đất cao, chưa bị ngập, đào hố nhỏ mỗi chiều 0,5m để làm hố tiêu tạm thời. Khi sử dụng xong dùng tro hoặc đất lấp lại.
Nếu không tìm được chỗ đất cao thì có thể dùng thùng, chậu, rổ lót nilông, đổ tro, trấu hoặc đất vào, đi tiêu vào đó rồi treo phía ngoài xa nhà hoặc trên cây chờ khi nước rút đem đi chôn.
4. Xử lý xác súc vật chết
Xác gia súc, gia cầm chết cần được thu gom và đưa đi chôn lấp, tiêu hủy theo quy định tránh gây ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh cho người, gia súc. Chọn những chỗ đất cao, chưa bị ngập để đào hố chôn sao cho tất cả xác súc vật được vùi sâu dưới đất ít nhất 0,8 m. Đổ 2 - 3 kg vôi bột lên trên, hoặc phun dung dịch hoá chất khử trùng, tẩy uế nồng độ cao rồi lấp đất, lèn chặt. Cắm biển báo hiệu nơi chôn xác súc vật để tránh bị đào bới. Trường hợp phải chôn ở nơi có nguy cơ ngập nước thì phải lèn chặt bằng đất đá không để xác súc vật nổi lên. Tuyệt đối không ăn gia súc, gia cầm chết.

Cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn cách xử lý nước

Nước sau khi được xử lý

                                                 Thuỳ Dung (CDC Hoà Bình)


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây