Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)
BỆNH THỦY ĐẬU: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Thứ năm - 18/08/2022 23:10
Thủy đậu thường được cho là bệnh của thời thơ ấu, bởi 90% số bệnh nhân là trẻ em trong độ tuổi đi học (từ 1 - 14 tuổi). Ngày nay, nhờ tiêm phòng vắc xin và các biện pháp phòng chống dịch mà tỷ lệ mắc thủy đậu ở trẻ đã giảm đáng kể. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình, trong 7 tháng đầu năm 2022, tỉnh ta chỉ ghi nhận 25 ca mắc Thủy đậu. Tuy vậy, người dân vẫn cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh tâm lý chủ quan, khiến dịch bệnh có thể quay trở lại. Thủy đậu (còn được gọi là bệnh trái rạ) là một bệnh lây truyền do virus Varicella - Zoster gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua những giọt nước bọt bắn ra từ đường hô hấp của người bệnh qua hắt hơi, sổ mũi, nói chuyện hoặc lây trực tiếp từ dịch tiết của người bệnh sang người lành. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua việc dùng chung các đồ dùng, vật dụng như bàn chải đánh răng, khăn mặt… mà các đồ dùng vật dụng này có dịch tiết từ tổn thương hoặc các giọt bắn từ nước bọt của người bị bệnh. Khoảng 90% những người chưa từng bị thuỷ đậu trong gia đình thì sẽ bị nếu tiếp xúc với một nguời thân bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng của bệnh Thủy đậu Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước, mụn nước nổi ở vùng đầu mặt, chi và thân, mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ có thể nổi toàn thân. Mụn nước có kích thước từ l - 3 mm đường kính, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ. Bên cạnh mụn nước trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Bệnh sẽ kéo dài từ 7 - 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo. Các biến chứng của bệnh Thủy đậu Mặc dù đây là một bệnh lành tính, tuy nhiên, vẫn có một số bệnh nhân gặp phải các biến chứng nguy hiểm. Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiêm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này. Đặc biệt, thậm chí sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thuỷ đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông). Nhiều năm sau đó, có thể là 10, 20, hay 30 năm sau, khi có điều kiện thuận tiện như sức đề kháng cơ thể kém hay có yếu tố gì khác, thì siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và gây bệnh. Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì sẽ dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, có nguy cơ gây sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh... Còn nếu bị trong những ngày sắp sinh hay sau sinh trẻ bị lây bệnh sẽ bệnh rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi. Phòng ngừa bệnh Thủy đậu Vắc xin phòng bệnh thuỷ đậu có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu, được áp dụng đối với các đối tượng sau: - Tất cả trẻ em từ 12 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thuỷ đậu lần nào tiêm 1 mũi. - Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì tiêm 2 mũi, mũi 1 cách mũi 2 từ 4-8 tuần. Khi tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu mà bản thân chưa tiêm ngừa vắc xin thủy đậu, cần tiêm chủng trong 3 ngày sau đó. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin thủy đậu có tác dụng lâu bền, 90% khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu và thường là không bị biến chứng. Ngoài ra, cần thường xuyên vệ sinh tay sạch bằng xà phòng, hướng dẫn trẻ không đưa tay lên mắt mũi miệng. Khi nhà có trẻ bị bệnh, nên hạn chế tiếp xúc gần như ôm hôn, không dùng chung dụng cụ và thức ăn chung với trẻ khác. Cho trẻ nghỉ học cho đến khi mụn nước khô đóng vẩy, tránh lây nhiễm cho bạn học, cần vệ sinh đồ dùng, các bề mặt trẻ hay chạm vào để làm sạch virus gây bệnh. Để tránh mắc thủy đậu, biện pháp tối ưu nhất vẫn là tiêm phòng vắc xin. Hiện nay, tại phòng tiêm dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật có sẵn vắc xin phòng chống Thủy đậu (của Hàn Quốc và Mỹ). Cha mẹ có thể đưa trẻ đến tiêm phòng từ thứ 2 – thứ 7 hàng tuần. Địa chỉ phòng tiêm: Số 183 Cù Chính Lan, Phường Đồng Tiến, Thành phố Hòa Bình. Số điện thoại: 02183.853.831 (giờ hành chính).
Thu Hương - CDC Hòa Bình