Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)
LOẠN THỊ NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH
Thứ năm - 25/08/2022 21:18
1. Loạn thị là gì? Loạn thị là một tật khúc xạ mắt rất thường gặp, xảy ra khi hình ảnh quan sát sau khi đi vào mắt không thể hội tụ ở võng mạc, khiến mắt bị mờ. Bình thường, bề mặt giác mạc có hình cầu. Khi bị loạn thị, giác mạc có độ cong không đều làm hình ảnh của vật hội tụ thành nhiều đường tiêu trên võng mạc dẫn đến nhìn mờ nhòe, biến dạng hình ảnh. Có nhiều loại loạn thị tùy thuộc vào phối hợp của loạn thị với cận thị và viễn thị: loạn cận đơn thuần, loạn cận kép, loạn viễn đơn thuần, loạn viễn kép, loạn thị hỗn hợp… 2. Triệu chứng bệnh loạn thị Tùy thuộc vào loại loạn thị và mức độ loạn thị mà gây ảnh hưởng khác nhau đến chức năng thị giác. Tuy nhiên loạn thị thường có triệu chứng: Người bệnh cảm giác mắt mờ, nhìn hình ảnh bị mờ, nhòe hoặc méo mó. Tầm nhìn đôi, nhìn một vật có hai hoặc ba bóng mờ. Gặp khó khăn khi nhìn ở mọi khoảng cách. Có thể có một số dấu hiệu kèm theo khác như nhức mỏi mắt, chảy nước mắt, đau đầu, đau cổ, đau vai gáy… 3. Ai dễ bị loạn thị? Loạn thị có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả trẻ em và người trưởng thành. Tuy nhiên, loạn thị có nguy cơ cao ở những người: Tiền sử gia đình có người bị loạn thị hoặc có các rối loạn ở mắt. Tổn thương sẹo giác mạc. Bị cận thị hoặc viễn thị quá nặng. Tiền sử chấn thương mắt, phẫu thuật đục thủy tinh thể. Tuổi tác: Người cao tuổi thường có nguy cơ mắc tật loạn thị cao hơn người trẻ. Bên cạnh đó, mắt tiếp xúc với màn hình máy tính, điện thoại nói riêng và các thiết bị điện tử nói chung trong khoảng thời gian dài cũng rất dễ suy giảm chức năng, mắc tật khúc xạ. 4. Nguyên nhân gây loạn thị Hầu hết loạn thị xảy ra từ sớm nên nguyên nhân loạn thị thường không được biết rõ. Một số trường hợp khác xảy ra sau chấn thương mắt, mắc bệnh về mắt hoặc phẫu thuật. Ngoài ra, còn có thể gặp một nguyên nhân khác hiếm gặp hơn khi bị giác mạc hình chóp (keratoconus). Bệnh có thể gây loạn thị là do làm cho giác mạc mỏng hơn và có hình nón thay vì hình cầu như bình thường. 5. Bệnh có phòng tránh được không? Nếu là loạn thị do di truyền, bẩm sinh thì không thể phòng tránh. Tuy nhiên các nguyên nhân còn lại có thể được phòng ngừa bằng cách: Đề phòng, tránh các tổn thương mắt. Làm việc và học tập ở nơi có ánh sáng đầy đủ. Tránh nơi quá tối hoặc phải đeo kính bảo vệ mắt khi làm việc với nguồn sáng quá mạnh và chói. Cho mắt nghỉ ngơi khi làm việc trước máy tính, đọc sách hay các công việc tỉ mỉ khác. Điều trị triệt để các bệnh lý về mắt (nếu có) tránh gây biến chứng loạn thị. Ăn uống hợp lý để cung cấp đầy đủ vitamin và dưỡng chất thiết yếu cho mắt như cá hoặc thức ăn giàu vitamin A có trong các loại quả màu đỏ như: gấc, cà rốt, cà chua,…
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đo thị lực mắt cho học sinh