Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)
PHÒNG CHỐNG THIẾU VI CHẤT DINH DƯỠNG TRONG 1000 NGÀY VÀNG
Chủ nhật - 17/07/2022 23:46
Khoảng thời gian 1.000 ngày từ thời kỳ mang thai của người phụ nữ cho tới khi đứa trẻ tròn 2 tuổi được coi là giai đoạn cửa sổ then chốt, có tác động sâu sắc đến sức khỏe, khả năng phát triển, học hỏi và xây dựng cuộc sống tương lai sau này. Theo kết quả của một số nghiên cứu, để hỗ trợ thai nhi phát triển tối ưu, các vi chất dinh dưỡng như sắt, axit folic, kẽm, canxi... và các vitamin đóng một vai trò hết sức quan trọng. Phòng chống thiếu Vitamin A Trong cơ thể, vitamin A rất cần cho thị giác, cho sự tăng trưởng, phát triển, tăng cường hệ thống miễn dịch và duy trì sự toàn vẹn của biểu mô. Vitamin A được dùng để dự phòng và điều trị các triệu chứng thiếu vitamin A như bệnh khô mắt, quáng gà; thiếu hụt vitamin A có thể dẫn đến khô mắt, do sự thay đổi của các biểu mô của mắt khiến giác mạc bị khô, nhăn nheo… Để phòng chống thiếu vitamin A, bữa ăn nên có một số thức ăn như: Trứng, cá, thịt, gan, bầu dục, tôm, rau muống, xà lách, rau ngót, rau diếp, rau dền, hành lá, hẹ lá, rau thơm, các loại củ quả như gấc, cà rốt, đu đủ, xoài… Đối với bà mẹ sau khi sinh: Uống 1 liều 200.000đv ngay trong tháng đầu tiên sau khi sinh và thực hiện nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu (vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ) và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý khi trên 6 tháng tuổi. Thức ăn bổ sung của trẻ cần có đủ dầu, mỡ để hỗ trợ hấp thu vitamin A. Bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ 6 – 36 tháng tuổi trong các đợt chiến dịch uống vitamin A vào ngày vi chất dinh dưỡng 1-2 tháng 6 và ngày 1 tháng 12 hàng năm.
Bổ sung đầy đủ các vi chất giúp trẻ phát triển tốt về chiều cao, cân nặng và trí tuệ Phòng chống thiếu vitamin D ở phụ nữ có thai và trẻ dưới 2 tuổi Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc xương thông qua cơ chế phân phối canxi và phospho. Thiếu hụt vitamin D trầm trọng gây ra còi xương ở trẻ sơ sinh và trẻ em, và loãng xương ở người lớn. Thiếu hụt vitamin D trong thời gian mang thai có liên quan với bệnh tiểu đường do mang thai, tiền sản giật, và thai nhi nhỏ. Thiếu vitamin D có thể dự phòng bằng tắm nắng đúng cách, sử dụng chế độ ăn hợp lý, đa dạng, cải thiện bữa ăn gia đình. Biết lựa chọn các thực phẩm giàu canxi, vitamin D. Chế độ ăn cần có đủ chất đạm, vitamin, khoáng chất và đủ dầu mỡ để hỗ trợ hấp thu vitamin D. Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng Bổ sung viên sắt/acid folic được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong việc giải quyết tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, đặc biệt trong giai đoạn có thai, trẻ em đang lớn, phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ. Tăng cường cho trẻ ăn thức ăn giàu sắt. Ngoài bổ sung 3 vi chất trên, có thể bổ sung thêm các vi chất cần thiết khác theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị hiện nay, bao gồm: Kẽm: Kẽm là vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với nhiều chức năng sinh học và cần thiết cho hoạt động hơn 300 enzym trong cơ thể con người. Kẽm đặc biệt quan trọng trong quá trình mang thai, phát triển của thai nhi, cần thiết cho tế bào đang trong quá trình phát triển nhanh. Kẽm rất quan trọng trong việc kích hoạt tăng trưởng chiều cao, cân nặng và phát triển xương ở trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên. Kẽm đóng vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và chống lại nhiễm trùng. I-ốt: Khi bị thiếu I-ốt sẽ bị chậm phát triển về cả thể lực và trí tuệ. Thiếu I-ốt làm giảm khả năng lao động và học tập, giảm trí thông minh, gây giảm năng lực học tập (chỉ số IQ giảm 10-15 điểm), giảm trí nhớ, chậm phát triển thể chất, bướu cổ, rối loạn chức năng sinh sản (sảy thai, thai chết lưu, đẻ non…), cân nặng sơ sinh thấp, tăng tỷ lệ tử vong và bệnh tật ở trẻ em. Ngoài ra cần định kỳ tẩy giun, đặc biệt giun móc sẽ có tác động tới cải thiện tình trạng sắt. Khuyến nghị tẩy giun định kỳ hàng năm bằng Mebendazol và Albendazol, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em trên 2 tuổi. Thu Hương (CDC Hòa Bình)