Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)
TẦM QUAN TRỌNG CỦA TIÊM MŨI 3, MŨI 4 VACCINE PHÒNG COVID-19
Thứ sáu - 15/07/2022 04:15
Sau 2 năm đại dịch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ,sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, được nhân dân và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Không thể không nhắc đến vai trò của vắc xin trong việc khống chế thành công đại dịch ở Việt Nam. Vừa qua, đã xuất hiện biến chủng mới ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, có nước xuất hiện hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày, trong khi kinh nghiệm cho thấy các nước phát triển thường bùng phát dịch trước Việt Nam khoảng vài tháng. Tuy nhiên, nhiều người dân sau khi tiêm vaccine mũi cơ bản hoặc đã từng mắc COVID-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh, nhất là chưa tham gia tích cực vào việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4, kể cả tiêm vaccine cho trẻ em. Vaccine vẫn là vũ khí quyết định quan trọng để dự phòng biến chủng COVID-19 mới Theo Bộ Y tế, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam. Biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay). Do đó, trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta. Như vậy, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5. Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID-19 là cần thiết để phòng mắc bệnh hoặc tái mắc bệnh, nếu có mắc thì sẽ tránh nguy cơ bệnh nặng, tử vong trong bối cảnh xuất hiện các biến chủng mới khó lường.
Tiêm vaccine mũi 4 cho đối tượng người trên 50 tuổi tại huyện Lương Sơn Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các vaccine được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể SARS-CoV-2 (bao gồm cả biến thể phụ BA.5). Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng. Hiện nay, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỉ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới: Tỉ lệ bao phủ mũi 2 trên tổng dân số đạt xấp xỉ 80%, vượt 30% so với mục tiêu của WHO; tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao gấp đôi tỉ lệ trung bình trên thế giới; tỉ lệ tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia chấu Âu như Ý, Đức, Mỹ, Đan Mạch, Ba Lan... Tuy nhiên, Bộ Y tế đánh giá tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 vẫn còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Có tình trạng tồn đọng nhiều vaccine COVID-19 tại Trung ương và các địa phương, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và để tăng cường miễn dịch cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động, quân nhân, chiến sĩ và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine cho các nhóm đối tượng cần tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, hoàn thành tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022, mũi 4 cho các đối tượng cần tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tiêm vaccine phòng COVID-19 là một trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với chính mình, với cộng đồng.