PHÁT HIỆN SỚM ĐỂ PHÒNG BIẾN CHỨNG BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Thứ năm - 31/10/2019 21:58
PHÁT HIỆN SỚM ĐỂ PHÒNG TRÁNH CÁC BIẾN CHỨNG
CỦA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) hay còn gọi là bệnh tiểu đường, là một bệnh mạn tính do rối loạn chuyển hoá hydrat cacbon, kèm theo tình trạng thiếu chất insulin trong máu gây nên tình trạng tăng đường huyết. Biểu hiện của bệnh là lượng đường trong máu tăng cao bất thường và xuất hiện đường có trong nước tiểu.
Vậy làm thế nào để phát hiện sớm được bệnh ĐTĐ?
- Ở mọi lứa tuổi, khi thấy các triệu chứng bất thường như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và mặc dù ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân nhiều trong thời gian ngắn.
- Trong trường hợp thấy vết thương lâu lành, chuột rút bắp chân ban đêm, thấy có cảm giác kiến bò, kim châm ở đầu chi, mắt nhìn mờ… Có thể cùng lúc có nhiều triệu chứng xuất hiện, nhưng cũng chỉ cần 1 triệu chứng như trên thì bạn nên đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện chuyên khoa Nội tiết để được khám và làm các xét nghiệm cần thiết.
- Đối với những người thừa cân béo phì, đặc biệt là béo bụng cũng có thể gây nhiễm mỡ trong gan, tuỵ, tác động xấu đến việc tiết insulin ở tuyến tuỵ. Insulin là chất có vai trò đưa glucose đến các tế bào của cơ thể, giúp cho tế bào hoạt động và đồng thời giúp duy trì tỷ lệ đường trong máu ở mức cân bằng. Khi việc sản xuất insulin bị ngưng trệ hoặc bị rối loạn sẽ dẫn đến bệnh ĐTĐ. Do vậy, đối với những người thừa cân, béo phì cũng có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ rất cao.
Ngoài ra, bệnh ĐTĐ còn liên quan đến yếu tố gia đình. Chẳng hạn, trong gia đình có người mắc bệnh ĐTĐ thuộc thế hệ cận kề như: khi con mắc bệnh ĐTĐ thì bố mẹ và anh chị em ruột của bệnh nhân cũng cần đi kiểm tra xem mình có bị mắc bệnh hay không.
Để phòng tránh các biến chứng thì người bị bệnh đái tháo đường cần chủ động thực hiện những biện pháp sau:
- Khám sức khỏe định kỳ: Ngoài việc kiểm tra đường máu đều đặn, tuân thủ chế độ điều trị nghiêm ngặt bệnh nhân ĐTĐ còn cần khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện sớm, điều trị kịp thời các biến chứng.
- Khi đường máu tăng cao sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể khiến bệnh nhân tiểu đường dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó răng lợi rất dễ bị viêm nhiễm do vi khuẩn. Vì vậy bệnh nhân ĐTĐ cần khám răng miệng định kỳ để sớm phát hiện các bệnh răng lợi như lở loét, áp xe lợi…
- Khi bị bệnh ĐTĐ thì các mạch máu ở bàn chân sẽ bị tắc nghẽn, giảm dòng máu đến nuôi chân khiến cho các vết thương ở bàn chân khó lành và có thể loét rộng, nhiễm khuẩn nặng. Do vậy phải thường xuyên theo dõi và chăm sóc đôi bàn chân.
- Chế độ luyện tập và chế độ ăn uống rất quan trọng người bệnh đái tháo đường, cần tập thể dục thường xuyên và có chế độ ăn uống lành mạnh hạn chế tinh bột.
Hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi bệnh ĐTĐ. Vì vậy, thay đổi hành vi và lối sống là biện pháp phòng chống bệnh ĐTĐ hiệu quả nhất.
Kim Tuất (Theo Báo Sức khỏe & đời sống)