TIẾP CẬN VÀ CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Chủ nhật - 22/10/2023 10:04
Hiện nay tỉ lệ người mắc Đái tháo đường trên thế giới có xu hướng gia tăng rõ rệt và ngày càng trẻ hóa. Trong đó Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ tăng nhanh nhất thế giới. Tại Việt Nam số người mắc tiền Đái tháo đường cao hơn gấp 3 lần so với số người đã mắc bệnh. Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu.
Đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như: bệnh tim mạch, suy thận, mù lòa và đoạn chi... Bệnh tiến triển âm thầm, nhiều người phát hiện bệnh sau khi đã có biến chứng. Bệnh Đái tháo đường xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ lương hormon Insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả Insulin mà nó tạo ra.
Đái tháo đường gồm có các loại sau:
- Đái tháo đường type I: có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng xảy ra thường xuyên nhất là ở trẻ em và thanh thiếu niên. Khi mắc Đái tháo đường type I cơ thể sản xuất rất ít hoặc không sản xuất Insulin.
- Đái tháo đường type II: Phổ biến hơn ở người lớn tuổi và chiếm khoảng 90% tổng số trường hợp mắc Đái tháo đường. Khi mắc Đái tháo đường type II cơ thể không sử dụng tốt lượng Insulin mà nó tạo ra.
- Đái tháo đường thai kỳ: là tình trạng tăng đường huyết lần đầu tiên được phát hiện trong thời kỳ mang thai.
Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2021 có 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh Đái tháo đường và con số này được dự đoán sẽ tăng lên 783 triệu người vào năm 2045, cứ 5 giây lại có 1 người tử vong do Đái tháo đường. Bệnh Đái tháo đường cũng là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong trong năm 2022.
Cũng theo IDF, tại Việt Nam có khoảng 3,8 triệu người phải sống chung với căn bệnh Đái tháo đường (2019). Hầu hết trong số này là mắc Đái tháo đường type II, tuy nhiên chỉ có khoảng 1/3 số người mắc bệnh được chẩn đoán phát hiện bằng phương pháp dung nạp Glucose, tương đương hơn 2,5 triệu người mắc Đái tháo đường chưa được chẩn đoán và phát hiện.
Ngày thế giới phòng chống Đái tháo đường được tổ chức lần đầu vào 14/11/1991, đánh dấu cột mốc đánh dấu vai trò quan trọng của Insulin một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân Đái tháo đường.
Mục tiêu tới năm 2025 nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền, tăng cường phối hợp liên nghành, hoàn thiện các chính sách về phòng chống bệnh Đái tháo đường thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm.
Giảm thiểu các hành vi, yếu tố nguy cơ chính để dự phòng các bệnh không lây nhiễm.
Phương hướng, nhiệm vụ hoạt động phòng chống bệnh Đái tháo đường 2002 - 2025:
* Tăng tỷ lệ phát hiện, quản lý, điều trị chăm sóc người bệnh không lây nhiễm.
* Ít nhất 70% người từ 40 tuổi trở lên được sàng lọc bằng phiếu đánh giá nguy cơ và hoặc xét nghiệm đường máu 01 lần/ năm để phát hiện sớm bệnh Đái tháo đường.
* >= 55% số người mắc Đái tháo đường được phát hiện và >= 55% số người đã được phát hiện mắc bênh được quản lý và điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.
* >=30% người tiền Đái tháo đường được phát hiện và >=50% người tiền Đái tháo đường sau khi được phát hiện sẽ được can thiệp điều trị dự phòng theo hướng dẫn chuyên môn.
Kỷ niệm ngày tryền thông Đái tháo đường thế giới, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình kêu gọi mọi người cùng nâng cao nhận thức về bệnh Đái tháo đường, đặc biệt khuyến cáo người dân hãy xét nghiệm đường huyết tối thiểu 12 tháng 1 lần để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Người mắc bệnh Đái tháo đường cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý, uống thuốc đều đặn, dùng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Nội tiết, theo dõi xét nghiệm đường huyết cẩn thận, biết cách theo dõi và điều trị các biến chứng của Đái tháo đường một cách hiệu quả.
Nguyễn Ngọc Cơ – CDC Hòa Bình