Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)

https://ksbthoabinh.vn


CHỦ ĐỘNG DỰ BÁO, KIỂM SOÁT TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH NĂM 2025

Ngành y tế nhận định, trong năm 2025, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm là rất lớn. Vì vậy, các địa phương tiếp tục nâng cao năng lực y tế dự phòng, dự báo, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, các sự kiện khẩn cấp về y tế công cộng.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, năm 2024, toàn tỉnh không ghi nhận bất kỳ trường hợp nghi ngờ, mắc nào với các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm như: Cúm A(H7N9, H5N1), tả… Tuy nhiên, vẫn ghi nhận một số bệnh có số mắc còn cao, cụ  thể:
Bệnh dại: Năm 2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 03 trường hợp tử vong tại Lạc Sơn (02 trường hợp) và Yên Thủy (01 trường hợp). Tăng 02 trường so với cùng kỳ năm trước.
Sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh ghi nhận 122 ca tại 9/10 huyện, thành phổ, trong đó Kim Bôi (22 ca), Lạc Thủy (20 ca), thành phố (20 ca), Tân Lạc (19 ca). Lương Sơn (17 ca), Cao Phong (10 ca), Đà Bắc (08 ca), Lạc Sơn (05 ca), Mai Châu (01 ca). Giảm 84,7% so với cùng kỳ năm 2023 (797 ca).
Tay chân miệng: Ghi nhận 109 ca tại 9/10 huyện, thành phố, trong đó thành phố (39 ca), Kim Bôi (24 ca), Cao Phong (21 ca), Lạc Thủy (08 ca), Lương Sơn (08 ca), Tân Lạc (03 ca), Yên Thủy (03 ca), Lạc Sơn (02 ca), Mai Châu (01 ca), Giảm 32,7% so với cùng kỳ năm 2023 (162 ca).
COVID-19: Ghi nhận 111 ca tại 9/10 huyện, thành phố, trong đó Lạc Thúy (29 ca), thành phố (26 ca), Cao Phong (19 ca), Kim Bôi (12 ca), Tân Lạc (08 ca), Lạc Sơn (07 ca), Lương Sơn (07 ca), Đà Bắc (02 ca), Mai Châu (01 ca). Giảm 95,1% so với cùng kỳ năm 2023 (2280 ca).
Sốt rét: Ghi nhận 01 ca mắc ngoại lai tại thành phố Hòa Bình.
Các bệnh truyền nhiễm lưu hành có mắc cao tại địa bàn tỉnh so với cùng kỳ năm trước có những thay đổi như sau: Thủy đậu ghi nhận 559 ca tăng 8,3%, quai bị 43 ca tăng 21 ca, cúm 4.434 ca tăng 26,8%, tiêu chảy 1.603 ca tăng 11.5%
Các bệnh truyền nhiễm thông thường khác không có sự gia tăng đột biến.
Dự báo năm 2025, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, dại và một số bệnh có vắc xin dự phòng vẫn có khả năng cao tiếp tục ghi nhận số mắc chủ yếu và có nguy cơ lây lan thành dịch, đồng thời tiếp tục sẽ ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi và bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm nhóm A (cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, Ebola, tả, thương hàn, MERS-CoV): Năm 2024, toàn tỉnh không ghi nhận bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc nào. Tuy nhiên vẫn có nguy cơ tiềm ẩn do mức giao lưu thương mại ngày càng cao giữa các khu vực.
Bệnh dại: Hòa Bình là một trong những các tỉnh miền Bắc có trường hợp tử vong cao. Nhận thức của nhân dân về bệnh dại còn chưa tốt. Vì vậy không loại trừ nguy cơ mắc và tử vong do bệnh dại trong năm 2025.
 Bệnh sốt xuất huyết: Do biến đổi của khí hậu nóng ẩm mưa nhiều tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi phát triển, do đó nếu không có các biện pháp phòng bệnh kịp thời thì số lượng các trường hợp mắc sốt xuất huyết có thể tăng cao.
Bệnh tay chân miệng tại Hòa Bình là bệnh lưu hành trong cộng đồng, từ năm 2011 đến nay vẫn ghi nhận ca bệnh lẻ tẻ. Việc kiểm soát bệnh gặp nhiều khó khăn vì không có biện pháp dự phòng đặc hiệu, các thói quen hành vi không hợp vệ sinh và ý thức về phòng chống bệnh của người dân chưa được cao. Vì vậy, nguy cơ cao bùng phát dịch tay chân miệng trên địa bàn tỉnh nếu không có biện pháp phòng chống chủ động và kịp thời.
Các bệnh truyền nhiễm như: Cúm, tiêu chảy vẫn ghi nhận số ca mắc cao. Để kiểm soát hiệu quả và phòng ngừa các trường hợp tử vong cần tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh và khuyến cáo người dân tiêm phòng.
Các bệnh truyền nhiễm thông thường khác cũng có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn nếu không có các biện pháp dự phòng tốt.
a
Cán bộ y tế hướng dẫn các biện pháp diệt bọ gậy phòng chống bệnh sốt rét, sốt xuất huyết
Mục tiêu ngành y tế đề ra trong năm 2025 là bảo đảm kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm, giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm; chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, ngành y tế tăng cường giám sát, theo dõi, phân tích, đánh giá, nhận định, dự báo tình hình các bệnh truyền nhiễm; Tổ chức triển khai tiêm chủng mở rộng theo kế hoạch; rà soát, quản lý đối tượng tiêm chủng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ trong tiêm chủng mở rộng; triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng chống dịch sởi để nhanh chóng kiểm soát tình hình.
Đồng thời tập trung theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát lan rộng ra cộng đồng; đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức đến các đơn vị, người dân trên địa bàn về phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là các dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh truyền qua đường hô hấp, các nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền…
 Thu Hương (CDC Hòa Bình)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây