Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)

https://ksbthoabinh.vn


NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh mạn tính gây ra do phản ứng bất thường của đường thở với phân tử khí độc hại như khói thuốc lá, khói bụi nơi làm việc. Do đáp ứng bất thường làm tăng sự phá hủy nhu mô, gây xơ hóa đường thở nhỏ, làm giảm khả năng thông khí của phổi.
4,2% dân số trên 40 tuổi bị COPD. Điều này có nghĩa là cứ trong 5.000 người trên 40 tuổi thì có 210 trường hợp mắc COPD. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính dai dẳng và tiến triển nặng dần theo thời gian nếu không được can thiệp kịp thời. Chủ động nhận biết triệu chứng COPD rất quan trọng, vì kiểm soát càng sớm thì càng ít có nguy cơ bị tổn thương phổi nghiêm trọng.
Các triệu chứng bệnh tắc nghẽn mạn tính thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác cho đến khi xuất hiện tổn thương phổi. Bệnh diễn tiến trầm trọng hơn theo thời gian, đặc biệt nếu tiếp tục tiếp xúc với khói thuốc. Hầu hết người bệnh thường đến cơ sở y tế khi bệnh tiến triển giai đoạn muộn, tình trạng tắc nghẽn đã nặng.
a
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các nguy cơ mắc bệnh

Các yếu tố nguy cơ
Hút thuốc lá, thuốc lào (dù chủ động hay thụ động)
Tiếp xúc với khói bụi độc hại nơi làm việc
Tiếp xúc với khói bếp
Thường bị nhiễm trùng đường hô hấp hồi nhỏ
Cơ địa dị ứng
Nam giới trên 40 tuổi
Các dấu hiệu cảnh báo COPD
Các dấu hiệu ban đầu
Khó thở, thở khò khè, đặc biệt là trong các hoạt động thể chất;
Tức ngực;
Thường xuyên ho khạc đờm hầu hết các ngày trong 1 tuần, kéo dài 3 tháng trong một năm và liên tiếp trong 2 năm trở lên mà không phải lao phổi hay giãn phế quản. Điều này là do nhiễm trùng phổi mạn tính gây ra và đờm được cơ thể sản xuất ra như là một phương tiện để bảo vệ.
Sốt nhẹ và cảm giác ớn lạnh;
Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên;
Sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân hoặc chân.
Biểu hiện nặng
Khó thở diễn ra trong một thời gian dài và mức độ khó thở ngày càng tăng
Thở khò khè, thở rít;
Đau tức, nặng ngực;
Đau đầu vào buổi sáng;
Không đủ sức nói;
Móng tay, chân hoặc môi chuyển màu xanh, màu tím;
Rơi vào trạng thái lơ mơ;
Nhịp tim nhanh, rất nhanh;
Mệt mỏi, chán ăn, giảm cân bất thường.
Các chuyên gia nghiên cứu và bác sĩ chuyên khoa hô hấp cảnh báo, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là “sát thủ thầm lặng” vô cùng nguy hiểm, diễn tiến nhanh, nặng dần và để lại nhiều hệ lụy khôn lường.
Biến chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD
COPD đã và đang để lại nhiều biến chứng nặng nề, đe dọa sức khỏe và tính mạng, nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, nguy hiểm nhất có thể kể đến:
Suy hô hấp giảm ô xy máu, tăng CO2 máu
Suy tim phải
Nhiễm trùng phổi
Tràn khí màng phổi
Rối loạn giấc ngủ do giảm ô xy huyết
Bệnh nhân có nguy cơ COPD nên được kiểm tra 3- 6 tháng một lần. Nếu bệnh nhân hút thuốc thì cần bỏ thuốc ngay. Hãy bảo vệ bản thân bạn khi tiếp xúc với khói, bụi, hoặc hơi hóa học, hoặc hoàn toàn tránh xa những chất này nếu có thể.
Thu Hương (CDC Hòa Bình)

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây