Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)

https://ksbthoabinh.vn


PHÒNG TRÁNH CÁC BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bệnh đái tháo đường hay còn gọi là bệnh tiểu đường là bệnh mạn tính do rối loạn chuyển hoá hydrat cacbon, kèm theo tình trạng thiếu chất insulin trong máu gây nên tình trạng tăng đường huyết. Biểu hiện của bệnh là lượng đường trong máu tăng cao bất thường và xuất hiện đường có trong nước tiểu.

Khi bị đái tháo đường, cơ thể người bệnh không tự chuyển hóa các chất bột đường từ thực phẩm ăn vào hàng ngày để tạo ra năng lượng. Theo thời gian, lượng đường tích tụ trong máu tăng dần. Nếu người bệnh đái tháo đường không được điều trị hoặc không tuân thủ điều trị thì lượng đường trong máu luôn ở mức cao dẫn đến các biến chứng đái tháo đường, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, gây tổn thương nhiều cơ quan/bộ phận khác như thận, mắt, thần kinh…
Phân loại bệnh đái tháo đường thường gặp
Đái tháo đường tuýp 1 chiếm 10% trong tổng số người mắc bệnh đái tháo đường. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở trẻ em hoặc người trẻ có nên tên gọi khác là bệnh đái tháo đường vị thành niên. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi. Trong các nguyên nhân gây bệnh, 95% trường hợp do cơ chế tự miễn (hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin ở tuyến tụy). Người bệnh phải phụ thuộc nguồn insulin từ bên ngoài đưa vào và phải tiêm insulin suốt đời.
Đái tháo đường tuýp 2 xảy ra do tuyến tụy tiết ra ít insulin hoặc tiết ra đủ nhưng các tế bào trong cơ thể không sử dụng hiệu quả (còn gọi là đề kháng insulin). Bệnh xuất hiện chủ yếu ở tuổi trung niên đến lớn tuổi nhưng ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh.
Đái tháo đường thai kỳ xảy ra trong quá trình mang thai, nhau thai sẽ tạo ra các hormon nữ như estrogen, progesterone, tác động vào các thụ thể insulin ở trên tế bào đích, làm tăng đề kháng insulin. Tuy nhiên, khi tuyến tụy không thể sản xuất đủ lượng insulin cần thiết để vượt qua sức đề kháng này sẽ dẫn đến tích tụ đường trong máu, dẫn đến đái tháo đường trong suốt thai kỳ. Dù đái tháo đường thai kỳ sẽ hết ngay khi sinh con, sản phụ cần được điều trị hiệu quả trong suốt thời gian mang thai để tránh các tác động xấu ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.
a
Tư vấn cho phụ nữ mang thai về phòng chống bệnh Đái tháo đường thai kỳ xảy ra trong quá trình mang thai
Để phòng tránh các biến chứng thì người bị bệnh đái tháo đường cần chủ động thực hiện những biện pháp sau: 
- Khám sức khỏe định kỳ: Ngoài việc kiểm tra đường máu đều đặn, tuân thủ chế độ điều trị nghiêm ngặt bệnh nhân đái tháo đường còn cần khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện sớm, điều trị kịp thời các biến chứng.
- Khi đường máu tăng cao sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể khiến bệnh nhân tiểu đường dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó răng lợi rất dễ bị viêm nhiễm do vi khuẩn. Vì vậy bệnh nhân đái tháo đường cần khám răng miệng định kỳ để sớm phát hiện các bệnh răng lợi như lở loét, áp xe lợi…
- Khi bị bệnh đái tháo đường thì các mạch máu ở bàn chân sẽ bị tắc nghẽn, giảm dòng máu đến nuôi chân khiến cho các vết thương ở bàn chân khó lành và có thể loét rộng, nhiễm khuẩn nặng. Do vậy phải thường xuyên theo dõi và chăm sóc đôi bàn chân.
- Chế độ luyện tập và chế độ ăn uống rất quan trọng người bệnh đái tháo đường, cần tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày. Chế độ ăn uống hợp lý, nên ăn nhiều rau xanh; hạn chế ăn, uống đồ ngọt; Giảm ăn mặn và các chất béo từ động.
Hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi bệnh đái tháo đường. Vì vậy, thay đổi hành vi và lối sống là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Kim Tuất (CDC Hòa Bình)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây