Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)

https://ksbthoabinh.vn


VIÊM GAN B NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CÁCH PHÒNG BỆNH

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Người bệnh cần hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng, theo dõi và điều trị khi có chỉ định để ngăn ngừa biến chứng xơ gan, ung thư gan và suy gan.
1. Nguyên nhân gây bệnh viêm gan B:
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Bệnh ảnh hưởng lớn đến chức năng gan, có thể gây suy gan và dẫn đến tử vong.
Viêm gan B mạn tính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan. Viêm gan B có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào và tỷ lệ điều trị khỏi hoàn toàn của viêm gan B mạn còn tương đối thấp.
Virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất trong 7 ngày. Trong thời gian này, virus vẫn có thể gây nhiễm trùng nếu xâm nhập vào cơ thể của người không được bảo vệ bởi vắc-xin.
Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan B trung bình là 75 ngày, nhưng có thể thay đổi từ 30 đến 180 ngày. Virus có thể được phát hiện trong vòng 30 đến 60 ngày sau khi nhiễm bệnh và có thể tồn tại và phát triển thành viêm gan B. Virus viêm gan B rất dễ lây. Khả năng lây nhiễm cao hơn HIV 100 lần.
2. Triệu chứng bệnh viêm gan B:
Viêm gan B có triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh rất khó nhận biết. Thậm chí có rất nhiều người bị nhiễm viêm gan B mà không hề hay biết.
Trường hợp viêm gan B cấp tính thường không có biểu hiện rõ ràng hoặc biểu hiện không nghiêm trọng, nên rất dễ bị bỏ qua. Đối với một vài trường hợp triệu chứng có thể là cảm giác mệt mỏi, chán ăn, nôn mửa, sốt, đau nhức gan hoặc có một số triệu chứng gần giống với cúm.
Các triệu chứng bị viêm gan B mạn tính gồm có:
Mệt mỏi kéo dài, xanh xao; Chán ăn, ăn không ngon miệng; Buồn nôn hoặc nôn; Vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng sậm; Đau nhức xương khớp; Đau hạ sườn phải; Rối loạn tiêu hoá, đi cầu phân đen; Chướng bụng, phù chân; Xuất huyết dưới da.
3. Cách phòng ngừa bệnh viêm gan B:
Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Cách phòng ngừa hiệu quả đó chính là tiêm vaccine phòng viêm gan B. Đối với người lớn, trước khi tiêm phòng viêm gan B cần làm xét nghiệm máu để biết cơ thể mình đã nhiễm virus chưa và có kháng thể hay chưa.
Nếu cơ thể chưa từng nhiễm virus viêm gan B (HBsAg âm tính) và chưa có kháng thể viêm gan B (AntiHBs âm tính) sẽ được khuyến cáo tiêm phòng 3 mũi theo phác đồ:
Mũi 1: lần đầu đến tiêm
Mũi 2: một tháng sau mũi 1
Mũi 3: sáu tháng sau mũi 1
Đối với trẻ em: Tiêm vaccin viêm gan B tốt nhất là là trong 24 giờ đầu sau khi sinh, nếu không tiêm được thì cần tiêm sớm sau đó ngay khi có thể (trong vòng 7 ngày sau khi sinh), việc tiêm vắc xin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao.


a
Người mắc bệnh viêm gan B tránh lây nhiễm bệnh cho người khác.

Thùy Dung (tổng hợp)


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây