Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HOÀ BÌNH TRIỂN KHAI KỸ THUẬT NỘI SOI PHẾ QUẢN ỐNG MỀM
Thứ hai - 18/04/2022 22:15
Từ tháng 4/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình chính thức triển khai kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm. Đây là một kỹ thuật khó nhưng đem lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh, đặc biệt đối với người bệnh mắc các bệnh lý về đường hô hấp. Đồng thời, giúp nâng cao chất lượng điều trị cũng như khẳng định tay nghề chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trước đây, các trường hợp có chỉ định nội soi phế quản đều phải chuyển bệnh nhân về tuyến trung ương để thực hiện kỹ thuật. Ngoài khó khăn do việc đi lại nhiều lần thì việc phải lưu trú ở tuyến trung ương trong quá trình khám và điều trị cũng kéo theo rất nhiều chi phí cho người bệnh.
Từ tháng 4 năm 2022, dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình đã triển khai kỹ thuật nội soi phế quản để chẩn đoán, điều trị, theo dõi quá trình điều trị các bệnh lý đường hô hấp (hầu họng, thanh-khí-phế quản phổi) và các bệnh lý vùng trung thất (u-hạch trung thất). Bệnh nhân được nội soi phế quản bằng ống soi mềm, kết hợp gây mê-giảm đau nên luôn cảm thấy dễ chịu khi thực hiện kỹ thuật. Với việc triển khai kỹ thuật nội soi phê quản có gây mê-giảm đau, các bệnh nhân trong tỉnh sẽ không phải chuyển về tuyến trung ương để thực hiện kỹ thuật này, giảm sự vất vả cũng như tiết kiệm được chi phí cho người bệnh.
Nội soi phế quản (Bronchoscopy) là kỹ thuật sử dụng ống thông có gắn camera và đèn chiếu sáng, giúp thầy thuốc quan sát trực tiếp hình thái bên trong của đường thở (xoang mũi-hầu họng-thanh-khí-phế quản-các vùng của phổi) nhằm mục đích chẩn đoán, điều trị bệnh. Qua ống nội soi, thầy thuốc có thể sinh thiết các tế bào đường hô hấp, sinh thiết khối u-hạch, nong hoặc đặt stent các trường hợp hẹp khí-phế quản, lấy các bệnh phẩm (đờm, dịch), lấy các dị vật, bơm rửa phế quản-phế nang…
Rất nhiều bệnh lý cần nội soi phế quản để chẩn đoán và điều trị, như: viêm phế quản-phổi (nội soi lấy bệnh phẩm để tìm vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng); các khối u thanh-khí-phế quản phổi, các khối u và tổ chức hạch vùng trung thất (sinh thiết tổ chức u-hạch làm xét nghiệm); ho kéo dài, ho ra máu (nội soi chẩn đoán nguyên nhân); liệt dây thanh âm, liệt cơ hoành (nội soi chẩn đoán nguyên nhân); các trường hợp nghi ngờ lao phổi, nấm phổi (nội soi lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm); các tổn thương phổi do hậu COVID-19 cũng rất cần nội soi phế quản để đánh giá.
Với đội ngũ các bác sĩ, điều dưỡng của khoa Hồi sức tích cực, khoa Cấp cứu, khoa Nhi, khoa Hô hấp-Lao và khoa Gây mê hồi sức đã được đào tạo cơ bản ở tuyến trưng ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hy vọng sẽ đẩy mạnh được chuyên môn chuyên ngành Hô hấp, chuyên ngành Ung bướu…, đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và các vùng lân cận.
Bài: TS.BS. Hoàng Công Tình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1 - BVĐK tỉnh Hòa Bình
Ảnh: Nguyễn Tuyết