CỘNG ĐỒNG XÃ HỘI CÙNG CHUNG TAY GIÚP ĐỠ
BỆNH NHÂN TÂM THẦN
Bệnh tâm thần đang có xu hướng gia tăng trong cuộc sống hiện đại. Chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân tâm thần tốt sẽ giúp cho xã hội ổn định. Chính vì vậy, điều trị và chăm sóc những bệnh nhân này rất cần nhận được sự quan tâm, chia sẻ của gia đình, cộng đồng và xã hội.
Dự án Bảo vệ sức khoẻ tâm thần cộng đồng được triển khai tại tỉnh Hòa Bình từ năm 2003 và đến nay đã có tất cả 151 xã, phường của 10 huyên, thành phố đựơc hưởng thụ dự án. Hiện nay, 100% số bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm tại các xã triển khai chương trình được quản lý, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng tại cộng đồng. Các xã, phường, thị trấn vẫn duy trì triển khai chương trình, có thuốc cấp miễn phí cho bệnh nhân tâm thần. Tại các Trung tâm y tế huyện, thành phố đều có cán bộ chuyên khoa định hướng về tâm thần, 151 xã, phường, thị trấn có cán bộ y tế thôn, bản để thực hiện thường xuyên nhiệm vụ tuyên truyền về sức khỏe tâm thần, phát hiện bệnh nhân tâm thần, tư vấn, hướng dẫn gia đình các liệu pháp điều trị để giúp bệnh nhân sớm hòa nhập cộng đồng.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện tổng số bệnh nhân đang quản lý và điều trị trong toàn tỉnh là 3.148 bệnh nhân. Trong đó bệnh nhân tâm thần phân liệt là 1.952, động kinh là 1.096 và trầm cảm là 93 bệnh nhân. Năm 2020, dự án Bảo vệ sức khoẻ tâm thần cộng đồng tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết về sức khoẻ tâm thần. thực hiện khám phát hiện, quản lý, điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm theo hpương pháp thụ động tại phòng khám trung tâm và phòng khám đa khoa khu vực. Tổ chức khám, điều tra, phát hiện bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm tại các xã điểm. Lập hồ sơ bệnh án, điều trị, phục hồi chức năng cho bệnh nhân dựa vào cộng đồng. Phối hợp với bệnh viện Tâm thần Trung ương I triển khai mô hình trầm cảm – động kinh cho 02 xã tại tỉnh Hòa Bình. Việc cung ứng thuốc được triển khai cho tuyến huyện 01 tháng 01 lần, tuyến huyện cấp thuốc cho tuyến xã 01 tháng 01 lần và tuyễn xã cấp thuốc và hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân 02 đến 04 tuần/ lần.
Bác sĩ Vũ Trung Thành - Trưởng khoa phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo hệ thống các trạm y tế theo dõi và quản lý chặt chẽ bệnh nhân tại cộng đồng, nắm bắt tâm lý để phát hiện những biểu hiện trong tư duy cảm xúc của người bệnh cùng gia đình người bệnh, động viên, an ủi, điều chỉnh thuốc cho phù hợp. Hiện nay trên toàn tỉnh, mạng lưới chuyên trách tuyến huyện đã hoàn thiện các khóa học Chuyên khoa định hướng Tâm thần và đã được cấp chứng chỉ.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, để có phương án điều trị tốt cho từng đối tượng bệnh nhân tâm thần thì sự quan tâm của gia đình và cộng đồng cũng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Người bệnh tâm thần rất hay bỏ nhà đi lang thang làm cho bệnh nặng thêm và dễ có nguy cơ mắc thêm các bệnh khác. Những người thân trong gia đình hãy nhẹ nhàng giảng giải để họ cảm thấy mình là một thành viên có ích của gia đình. Không để họ thấy cách cư xử khác thường, mà phải dành cho họ tình cảm, sự yêu thương, quan tâm chăm sóc. Bằng cách đó sẽ đưa lại cho họ cảm giác được bảo đảm an toàn hơn, thoải mái hơn để họ dễ hòa nhập với cộng đồng. Trong quá trình điều trị, ngoài việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ thì người nhà bệnh nhân cũng nên áp dụng cả liệu pháp trị liệu về tinh thần như: vui chơi thể thao, giải trí, lao động cùng bệnh nhân để tạo dựng không khí vui vẻ, thoái mái cho bệnh nhân.
Để góp phần nâng cao nhận thức trong việc phòng chống bệnh tâm thần. Hiện nay, dự án phòng chống bệnh tâm thần đã được đưa vào Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số, vì thế các hoạt động phòng chống bệnh tâm thần đều được Nhà nước cấp kinh phí thực hiện, người mắc bệnh tâm thần sẽ được cấp thuốc và điều trị miễn phí hoàn toàn.
Bài, ảnh: Kim Tuất
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Cán bộ y tế Trung tâm công tác xã hội Hòa Bình cho bệnh nhân tâm thần uống thuốc