Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)
GIÁM SÁT Ổ DỊCH NGHI DẠI TẠI HUYỆN LƯƠNG SƠN
Thứ ba - 02/06/2020 23:51
GIÁM SÁT Ổ DỊCH NGHI DẠI TẠI HUYỆN LƯƠNG SƠN Vừa qua, Sở Y tế Tỉnh Hòa Bình tổ chức giám sát ổ dịch nghi dại tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn. Tham dự có lãnh đạo Sở Y tế; lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh của huyện Lương Sơn. Vào Hồi 14h40, ngày 15/05/2020, Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn nhận được về trường hợp tử vong nghi ngờ do mắc Dại tại xã Cao Dương. Trung tâm đã chỉ đạo TYT xã Cao Dương xác minh thông tin và cử đoàn công tác điều tra tại TYT xã, Hộ gia đình bệnh nhân và các hộ lân cận. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn, vào hồi 18h, ngày 14/05/2020, tại xóm Châu Rể, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn Bệnh nhân Nguyễn Duy Thành, 10 tuổi, là học sinh trường Tiểu học và THCS xã Cao Dương đã tử vong tại nhà. Qua giám sát và xác minh thông tin được biết, cách đây hơn 2 tháng (gia đình không nhớ ngày), bệnh nhân bị chó nhà hàng xóm cắn vào đùi phải, vết thương dài khoảng 3cm, chảy nhiều máu. Sau đó bệnh nhân được hàng xóm rửa vết thương bằng xà phòng, vết thương ổn định, người nhà không cho đi khám và không khai báo với trạm y tế. Cùng ngày hôm đó, con chó tiếp tục cắn anh Nguyễn Văn Quyền (chủ nhà) vào mu tay trái, vết thương trầy xước nhẹ và được rửa bằng nước sạch. Tại thời điểm đó nhà anh Quyền có 4 con chó con do chó mẹ của nhà đẻ được khoảng 2 tháng nhưng chó mẹ đã bị bắn chết được khoảng 1 tháng. Con chó cắn bệnh nhân nặng khoảng 4kg, chưa được tiêm phòng. Trước khi cắn người không có biểu hiện bệnh rõ rệt. Ngay sau đó anh Quyền đã bán 3 con chó vì sợ tiếp tục cắn người khác. Hiện nhà a còn nuôi 1 con chó cùng đàn chưa có biểu hiện bất thường. Khoảng hơn 1 tuần sau khi bị chó cắn, 2 người được người nhà đưa đến thầy lang Quỳnh ở An Lão, Phú Lão, Lạc Thủy để khám phát hiện bệnh dại bằng thuốc nam và được tầy lang này kết luận không bị nhiễm bệnh dại. Do tin tưởng vào lời thầy lang nên cả 2 trường hợp không đi tiêm vắc xin/ huyết thanh kháng dại, về nhà sinh hoạt bình thường mặc dù có hiểu biết là khi bị chó cắn cần phải đi tiêm vắc xin (theo lời kể của bà nội bệnh nhân Thành). Ngày 11/05/2020 trên đường đi học, cháu Thành có đi qua đám ma, khi nghe tiếng trống kèn, cháu có biểu hiện hoảng sợ và bị ngã xe đạp (theo lời kể của bạn học cháu). Tối hôm đó về cháu có biểu hiện bồn chồn, khó ngủ, chân tay lạnh, người nóng ran. Những ngày tiếp theo bệnh nhân có thêm biểu hiện sợ gió (thường xuyên yêu cầu tắt quạt), sợ nước (3 ngày rất khát nhưng không chịu uống nước), sợ ánh sáng (chỉ thích ở trong phòng với mẹ không bật điện), thường xuyên kêu cứu. Sáng ngày 14/05/2020 tình hình bệnh nhân diễn biến xấu, gia đình đưa đi khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Theo lời kể của bà nội cháu Thành, tại đây, bệnh nhân được kết luận bị viêm họng. Sau đó gia đình có kể tiền sử cháu bị chó cắn, Bệnh viện đã khuyên gia đình chuyển cháu ra Bệnh viện Nhi trung ương. Tuy nhiên gia đình đã liên lạc với thầy lang Quỳnh qua điện thoại và được thầy hướng dẫn đưa về nhà. Chiều cùng ngày, gia đình đón thầy lang Quỳnh lên nhà, thầy có mang theo thuốc nam cho cháu thàng uống, nhưng biểu hiện bệnh càng nặng hơn và cháu tử vong vào lúc 18h, ngày 14/05/2020. Sau khi sự việc xảy ra, Trung tâm Y tế huyện đã báo cáo BCĐ huyện và triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại: Tiến hành khử khuẩn bề mặt và các đồ dùng trong nhà bệnh nhân có tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân bằng Cloramin B; Mở rộng điều tra trên toàn bộ khu vực xã nhằm phát hiện các trường hợp bị chó, mèo cắn để tư vấn đến các cơ sở y tế điều trị dự phòng bệnh dại; Chỉ đạo TYT xã Cao Dương tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch cho 10 người có tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của bệnh nhân Thành; Phối hợp với cán bộ thú y xã tổ chức tiêm phòng vác xin dại cho đàn chó trên địa bàn xã. Tại buổi giám sát, các đại biểu thống nhất việc tổ chức tiêm vắc xin cho đàn chó trên địa bàn xã đảm bảo 100%. Những trường hợp nào không tiêm lập biên bản tiêu diệt. Truyền thông cho người dân khi chó có các biểu hiện như ốm, bỏ ăn, kích động cần báo ngay cho thú y xã để có biện pháp xử lý. Tổ chức tư vấn và tiêm phòng vắc xin cho những người tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân. Truyền thông sâu rộng trong nhân dân về bệnh dại, đường lây truyền, cách phòng- chống, cách xử trí vết thương, khi bị chó, mèo cắn cần tiêm vắc xin kịp thời./.
HỒNG DUNG Khoa Truyền thông GDSK- TTKSBT HB
TÓM TẮT CHỈ ĐỊNH ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG BỆNH DẠI (Ban hành kèm theo Quyết định số 1622/QĐ-BYT ngày 08/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Phân độ vết thương
Tình trạng vết thương
Tình trạng động vật (Kể cả động vật đã được
tiêm phòng dại)
Điều trị dự phòng
Tại thời điểm cắn người
Trong vòng 10 ngày
Độ I
Sờ, cho động vật ăn, liếm trên da lành
Không điều trị
Độ II
Vết xước, vết cào, liếm trên da bị tổn thương, niêm mạc
Bình thường
Bình thường
Tiêm vắc xin dại ngay, dừng tiêm sau ngày thứ 10
Ốm, có xuất hiện triệu chứng dại, mất tích
Tiêm vắc xin dại ngay và đủ liều
Có triệu chứng dại, hoặc không theo dõi được con vật
Tiêm vắc xin dại ngay và đủ liều
Độ III
Vết cắn/cào chảy máu ở vùng xa thần kinh trung ương
Bình thường
Bình thường
Tiêm vắc xin dại ngay, dừng tiêm sau ngày thứ 10
Ốm, có xuất hiện triệu chứng dại, mất tích
Tiêm vắc xin dại ngay và đủ liều
Có triệu chứng dại, hoặc không theo dõi được con vật
Tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin dại ngay
- Vết cắn/cào sâu, nhiều vết - Vết cắn/cào gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ - Vết cắn/cào ở vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục
- Bình thường - Có triệu chứng dại - Không theo dõi được con vật