CHĂM SÓC SỨC KHOẺ TINH THẦN CHO NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Thứ năm - 14/11/2024 08:48
Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống bệnh Đái tháo đường 14/11 năm 2024 với chủ đề “Căng thẳng tâm lý ở bệnh nhân đái tháo đường và chiến lược ứng phó”, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hoà Bình đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức giúp bệnh nhân Đái tháo đường hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần trong quá trình điều trị bệnh; giảm căng thẳng, lo âu, tự tin đối mặt với các triệu chứng của bệnh từ đó xây dựng lối sống tích cực và lạc quan.
Tính đến hết tháng 10/2024, Tổng số người được phát hiện đái tháo đường trong toàn tỉnh là 16.442 người. Trong đó số người mới được phát hiện trong kỳ báo cáo là 1.094 người; Tỷ lệ tổng số phát hiện trên toàn tỉnh so với ước tính số người mắc (2% dân số khoảng 18.544 người) đạt 88,7%; tổng số bệnh nhân được quản lý là 15.977 bệnh nhân (đạt 97,2%); tổng số bệnh nhân được cấp thuốc trong tháng vừa qua là 10.842 bệnh nhân; số bệnh nhân điều trị đạt mục tiêu là 8.752 bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Cơ, chuyên trách chương trình phòng chống bệnh Đái tháo đường, khoa Phòng chống, bệnh Không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Người bệnh Đái tháo đường thường ít nhận ra những căng thẳng mà bản thân trải qua hoặc không thể kiểm soát được căng thẳng. Những dấu hiệu và triệu chứng căng thẳng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường như: luôn mệt mỏi, thiếu sức sống, cáu kỉnh, suy sụp, buồn phiền, lo lắng, bồn chồn, ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ, thậm chí có những bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm không kiểm soát được hành vi… Khi rơi vào căng thẳng, người bệnh đái tháo đường luôn lẩn trốn các hoạt động cộng đồng, vui chơi cùng bạn bè và gia đình. Người bệnh có xu hướng ăn nhiều hơn ngày thường dẫn đến tăng đường huyết hoặc chán nản không muốn ăn làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Bên cạnh đó, khi người bệnh Đái tháo đường luôn trong trạng thái lo lắng, căng thẳng thì cơ thể sẽ tiết ra các hormone căng thẳng có khả năng khiến gan giải phóng glucose. Nếu mắc đái tháo đường lại tăng thêm glucose trong máu đồng nghĩa với việc người bệnh cần nhiều insulin hơn để "đối phó" với tình trạng mức đường huyết tăng cao. Như vậy sức khoẻ tổng thể của người bệnh có thể bị ảnh hưởng, từ đó lại gây tác động ngược đến sức khoẻ tinh thần.
Với mục đích lấy người bệnh làm trung tâm nhằm chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho người bệnh, các cơ sở y tế trong toàn tỉnh luôn xây dựng mạng lưới hỗ trợ tinh thần vững chắc trong hành trình tự chăm sóc và quản lý cảm xúc hiệu quả, giúp người bệnh hiểu rõ hơn về những vấn đề mình đang gặp phải nhằm nâng cao ý chí, tinh thần, giúp người bệnh lạc quan chiến thắng rào cản tâm lí, mang lại sức khoẻ tinh thần bền vững, tự tin hơn trong suốt hành trình sống chung với bệnh./.
Người bệnh khoa Nội tiết, BVĐK tỉnh được test nhanh đường huyết
Cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn cho người bệnh
đang điều trị bệnh Đái tháo đường biến chứng tại khoa Nội tiết, BVĐK tỉnh
Hồng Dung (CDC Hoà Bình)