Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)
CÔNG TÁC CHĂM SÓC DINH DƯỠNG 1.000 NGÀY ĐẦU ĐỜI NĂM 2021
Thứ sáu - 31/12/2021 04:00
Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhận thấy tầm quan trọng của công tác này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 về việc ban hành Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc Việt Nam”; Ngày 27/4/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam” tỉnh Hòa Bình. Trong năm 2021, các Sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức lồng ghép triển khai các nội dung tuyên truyền của Chương trình vào các hội nghị tập huấn, các lớp đào tạo tập huấn. Vận động nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời. Nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số về chăm sóc dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai và cho con bú, ăn bổ sung, hợp lý vi chất cho trẻ; tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, Đài truyền hình; phối hợp thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại gia đình, nhà trường và cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em nghèo…. Ngành Y tế đã thực hiện chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời” nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em nâng cao tầm vóc người Việt Nam theo các chủ đề với những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, theo dõi tăng trưởng, thực hiện các hoạt động thực hành dinh dưỡng, triển khai gắn với mục tiêu hướng dẫn người mẹ và những người chịu trách nhiệm trực tiếp chăm sóc trẻ có những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng để chăm sóc trẻ. Các buổi thực hành được tiến hành tại trạm y tế xã, thị trấn với nội dung hướng dẫn bám sát vào điều kiện thực tế tại địa phương và lồng ghép với giáo dục truyền thông cộng đồng. Đối tượng được ưu tiên là phụ nữ có thai và các bà mẹ có con dưới 2 tuổi, bà mẹ có con dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng; hưởng ứng ngày Vi chất dinh dưỡng và thực hiện truyền thông, tư vấn dinh dưỡng, chăm sóc thai nghén, thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 280 ngày mang thai, các bà mẹ được các cơ sở y tế hướng dẫn bà mẹ nên ăn thêm mỗi ngày thêm một bữa để đảm bảo sức khỏe, uống bổ sung sắt, axit folic, dùng muối iod, hạn chế uống trà, cà phê…thực hiện khám và tư vấn dinh dưỡng thường xuyên tại 100% trạm y tế xã, thị trấn. Vì vậy, trong năm 2021, phụ nữ có thai được quản lý sớm, khám thai 3 lần/3 kỳ đạt 99%; phụ nữ có thai trên địa bàn được tiêm phòng uốn ván đủ mũi đạt >90%; số phụ nữ được xét nghiệm viêm gan B khi mang thai đạt 92,56%; phụ nữ đẻ uống viên sắt đa vi chất trong thời kỳ mang thai đạt >90%; phụ nữ có thai trong suốt thai kỳ có cân nặng tăng từ 10 – 12kg đạt >90%; phụ nữ có thai có kiến thức, kỹ năng và thực hành dinh dưỡng đúng đạt >90%. Trong 6 tháng đầu đời của trẻ, các cơ sở y tế và các trạm y tế xã, thị trấn hướng dẫn các bà mẹ cho con bú trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, tư vấn cho các mẹ hiểu về tầm quan trọng của sữa mẹ, cho con bú đúng cách và cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Kết quả: số trẻ mới sinh được cân, đo trong vòng 12 giờ đầu sau sinh đạt 100%; số trẻ được bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh đạt 96%; số trẻ được bú sữa mẹ hoàn thoàn trong 6 tháng đầu đạt 62%; bà mẹ có con từ 6 – 24 tháng tuổi được tư vấn ăn bổ sung đúng cách đạt 100%, thực hành ăn bổ sung đúng cách đạt 70%. Đối với trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi: Đây là thời kỳ vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nên việc cho trẻ ăn bổ sung là rất cần thiết nhằm đản bảo trẻ phát triển tốt, tăng cân và phát triển chiều cao hợp lý. Qua đó, 100% trẻ em dưới 2 tuổi được theo dõi cân nặng, được uống Vitamin A; trẻ em các trường Tiểu học trên địa bàn huyện được tẩy giun một năm một lần đạt >90%; 1.900 người là các bà mẹ có con <2 tuổi, 2,5 tuổi suy dinh dưỡng được tham gia tập huấn dinh dưỡng; Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân là 15% và thể thấp còi là 24%. Theo kế hoạch năm 2022, Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời” tiếp tục được triển khai với các mục tiêu, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của người dân, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương cũng như các nội dung cần ưu tiên trong lĩnh vực dinh dưỡng. Ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các khu vực tình trạng suy dinh dưỡng còn cao. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong đồng bào dân tộc thực hiện chế độ dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, từ bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu để thực hiện hành vi có lợi cho sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Chăm sóc sức khỏe cho bé tại các cơ sở y tế Minh Thủy (CDC Hòa Bình)