Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)
CỨU SỐNG BỆNH NHI BỊ CÂY SẮT ĐÂM XUYÊN QUA VÙNG MẶT- CỔ
Thứ sáu - 20/08/2021 04:39
CỨU SỐNG BÊNH NHI BỊ CÂY SẮT ĐÂM XUYÊN QUA VÙNG MẶT- CỔ Đuối nước, tai nạn giao thông, bỏng nước sôi, uống nhầm hoá chất hay chấn thương do leo trèo là những tai nạn trẻ rất hay gặp phải, đặc biệt trong kỳ nghỉ hè. Trường hợp không có sự giám sát của người lớn, trẻ còn có nguy cơ đối mặt với thương tích nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Bệnh nhi H.K.N, 5 tuổi, Đà Bắc nhập viện chiều tối ngày 18/8 là một trong những trường hợp tai nạn như thế, nhưng theo đánh giá chuyên môn thì là trường hợp nặng hy hữu mà Bệnh viện tỉnh vừa tiếp nhận.
Sau 2 giờ ca phẫu thuật đã có kết quả tốt, xử trí tổn thương mạch máu, bảo tồn được dây thần kinh số 7 gần vị trí tổn thương (Ảnh: Bác sĩ CKII Hoàng Trọng Bằng, khoa Ngoại Thần kinh – Ung bướu, BVĐK tỉnh thăm khám lại cho bệnh nhi) Theo lời kể của gia đình, bệnh nhi bị ngã từ trên cây xuống đất, cắm thẳng vùng cổ mặt vào thanh sắt xoắn phi 16(dài 80cm) dưới gốc cây, xuyên từ vùng cổ bên phải qua tuyến dưới hàm, tuyến mang tai. Do được TTYT Đà Bắc liên hệ trước khi chuyển tuyến. Đồng thời, nhận định đây là ca chấn thương phức tạp vùng mặt cổ, Bệnh viện tỉnh đã kích hoạt báo động đỏ với sự có mặt gần như ngay lập tức của các chuyên khoa gồm Hồi sức cấp cứu, Cấp cứu ngoại, Nhi, Gây mê hồi sức. Đặc biệt các phẫu thuật viên đầu ngành Răng Hàm Mặt, Ngoại Thần kinh - Ung bướu, chấn thương chỉnh hình kịp thời có mặt xử trí. Qua thăm khám, các bác sĩ đánh giá bệnh nhi có nguy cơ lớn tổn thương vùng mạch máu (hệ động-tĩnh mạch cảnh ngoài), thần kinh, trong đó có dây thần kinh số 7 có thể gây liệt, méo hoặc dị tật mặt do dị vật còn nguyên với tổn thương dài khoảng 20cm. Bệnh nhi lập tức được chuyển mổ, xử trí lấy dị vật ra khỏi cơ thể, xử trí tổn thương mạch máu, thần kinh vùng cổ mặt, cắt lọc, lau rửa, xử trí sạch tổn thương, đặt sonde dẫn lưu, khâu phục hồi. Về mặt chuyên môn, bác sĩ CKII Hoàng Trọng Bằng, khoa Ngoại Thần kinh – Ung bướu, bác sĩ phẫu thuật đánh giá: Ca phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do đây là ca chấn thương nặng, phức tạp, bệnh nhân còn dị vật trên vùng tổn thương khiến việc gây mê nội khí quản khó khăn. Bên cạnh đó, do vùng hàm mặt nhiều dây thần kinh, đòi hỏi việc phẫu tích phải rất thận trọng và có độ chính xác tuyệt đối. Rất may mắn, với kinh nghiệm dày dặn và sự phối hợp nhuần nhuyễn của kíp phẫu thuật, sau 2 giờ ca phẫu thuật đã có kết quả tốt, xử trí tổn thương mạch máu, bảo tồn được dây thần kinh số 7 gần vị trí tổn thương. Đến nay, sau 16h mổ, trẻ tỉnh, nói chuyện được, ăn cháo, sonde dẫn lưu ít dịch loãng, không đông. Mặc dù vậy, tai nạn này đối với trẻ nhỏ có thể nói nặng hy hữu, khiến trẻ đau nhiều vết mổ, đặc biệt gây sang chấn tâm lý, biểu hiện sợ sệt nhiều. Qua trường hợp của bệnh nhiH.K.N, bác sĩ Bằng khuyến cáo các gia đình cần quan tâm và giám sát trẻ chặt chẽ trong mọi hoạt động vui chơi. Việc đồng hành với trẻ trong các hoạt động không chỉ giúp cha mẹ tạo lập nhiều kỹ năng tốt thông qua hướng dẫn, cung cấp thông tin về trò chơi, cách chơi cho trẻ, mà còn giúp trẻ vui chơi an toàn, giảm chấn thương nghiêm trọng do tai nạn gây ra. Trường hợp tai nạn có di vật trên cơ thể, cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện cùng dị vật, không tự ý rút dị vật có thể dẫn đến hiện tượng sốc do mất máu nguy hiểm tính mạng.
Thanh sắt phi 16 đâm xuyên từ cổ bệnh nhân, qua hàm tới tuyến mang tai, gây tổn thương vùng mặt cổ dài tới 20cm Nguyễn tuyết Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình