Sáng 26/4, liên Bộ Y tế - Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến đến gần 11 nghìn điểm cầu trên cả nước để quán triệt việc "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của tổ công tác triển khai Đề án 06. Dự và chỉ đạo tại điểm cầu UBND tỉnh Hòa Bình có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông và các thành viên tổ công tác triển khai Đề án 06 và bệnh viện tuyến tỉnh. Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 25/4/2022, cả nước đã tiêm hơn 212,6 triệu mũi tiêm. Tuy nhiên, trên hệ thống phần mềm tiêm chủng mới ghi nhận thông tin khoảng 205 triệu mũi tiêm. Như vậy còn khoảng 7,6 triệu mũi tiêm chưa được nhập lên hệ thống. Bên cạnh đó, trong số hơn 73,4 triệu người có CCCD/CMND, còn 43.491.814 mũi tiêm đã xác minh nhưng sai thông tin gồm số định danh, ngày sinh, họ tên và thông tin khác. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua với sự giúp đỡ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và một số đơn vị liên quan, Bộ Y tế đã tích cực triển khai được dữ liệu phần mềm tiêm chủng quốc gia. Phần mềm đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai cũng nảy sinh nhiều vấn đề và còn những hạn chế nên kết quả cũng chưa đạt được như mong muốn. Nguyên nhân theo Bộ Y tế, mặc dù Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần chỉ đạo đẩy mạnh việc cập nhật phần mềm tiêm chủng nhưng vẫn còn hơn 43 triệu mũi tiêm chưa đồng bộ được vấn đề tiêm chủng với dữ liệu dân cư quốc gia. Vẫn còn những thông tin nhập vào còn thiếu, chưa phù hợp, chưa đúng và chưa đảm bảo được việc liên thông dữ liệu. Đây chính là khó khăn, hạn chế không chỉ của Trung ương mà còn của các địa phương; kể cả các bộ phận kỹ thuật cũng chưa có thể kết nối được. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, việc liên thông dữ liệu, xác thực các thông tin không những chỉ phục vụ cho việc tiêm chủng COVID-19 có ý nghĩa mà còn có lợi ích, ý nghĩa quan trọng về lâu dài khi triển khai những ứng dụng khác như quản lý sức khỏe toàn dân. Bởi muốn quản lý sức khỏe thì phải thông qua hệ thống liên thông dữ liệu mới có thể quản lý được. Vì vậy, thời gian tới cần đẩy nhanh tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh việc chuyển đổi số với ngành y tế như: khám chữa bệnh không dùng sổ y bạ giấy mà dùng bệnh án điện tử... Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, cấp huyện, cấp tỉnh thống nhất chỉ đạo cấp xã đảm bảo theo nội dung đặt ra trong việc thực hiện Đề án 06. Chủ tịch cấp xã sẽ trực tiếp chỉ đạo điều hành Tổ công tác của các lực lượng cấp xã gồm: đồng chí Trưởng Công an xã là Tổ trưởng, các thành viên là lực lượng Y tế, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội. Nhiệm vụ của Tổ là thống nhất để lấy dữ liệu dân cư và các dữ liệu vaccine, mũi, lứa tuổi; dữ liệu về tư pháp như hộ tịch khai sinh, khai tử; hộ cận nghèo… cần tập trung rà soát dữ liệu trên hệ thống với dữ liệu thực để bảo đảm việc kết nối đúng không thiếu hoặc sai lệch. Tổ chức thử nghiệm để phát hiện tồn tại, thiếu sót kịp thời bổ sung chỉnh sửa trước khi công bố chính thức, nhằm tạo niềm tin cho nhân dân. Đề án 06 triển khai thực hiện từng ngày, đặc biệt lộ trình tháng 4-5 là căn cơ cho thực hiện trong năm 2022, vì vậy đề nghị các địa phương, các bộ, ngành rà soát và thực hiện những nhiệm vụ đã được phân công, để đảm bảo và hoàn thành đúng tiến độ đề ra.