Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)
MÍT TINH HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS
Thứ ba - 01/12/2020 22:18
MÍT TINH HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS VÀ NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG AIDS “Hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS và ngày thế giới phòng, chống AIDS” năm 2020, ngày 30/11 Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Hội Nông dân thành phố Hòa Bình tổ chức Lễ mít tinh “Hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS và ngày thế giới phòng, chống AIDS” năm 2020. Tham dự buổi mít tinh có đồng chí: Đinh Công Sứ - Phó chủ tịch UBND tỉnh; Đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, lãnh đạo UB MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội tỉnh và gần 200 người là cán bộ, hội viên nông dân các xã, phường của Thành phố Hòa Bình; cán bộ các khoa, phòng của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tham gia buổi mít tinh, diễu hành. Kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện ca bệnh đầu tiên vào năm 1990, đến năm nay, Việt Nam đã ứng phó với dịch HIV/AIDS tròn 30 năm, trong 30 năm ứng phó với dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã có nhiều dấu mốc đánh dấu các sự kiện quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Tại Hòa Bình, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1996 và tính đến 30/09/2020 theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh, lũy tích số người nhiễm HIV được quản lý là 2.308 người; trong đó số còn sống là 1.244 người và 1.064 người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong. HIV đã phát hiện ở 10/10 huyện thành phố và 141/151 xã, phường. Số ca nhiễm mới và tử vong có giảm qua các thời kỳ. Với chủ đề “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam” Để "Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020" được cụ thể hoá thành những hành động thiết thực, cụ thể, phát biểu chỉ đạo tại lễ mít tinh, đồng chí Đinh Công Sứ - Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: “Lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội cần tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường huy động và đầu tư các nguồn lực từ địa phương, đơn vị cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; Người dân, gia đình và các tổ chức xã hội cần tiếp tục được cập nhật những thông tin liên quan đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS; trang bị đầy đủ các kiến thức dự phòng để tránh lây nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS. Cần tiếp tục tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đẩy mạnh phong trào toàn dân phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư và cùng các phong trào quần chúng khác, tạo sự đồng tâm hợp lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS; Tăng cường giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Việc tiếp cận sớm các dịch vụ này không chỉ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mình mà còn là trách nhiệm của mình với gia đình, cộng đồng trong việc giảm lây nhiễm HIV; Ngành Y tế phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan tiếp tục mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khoẻ, tư vấn, hệ thống chuyển tiếp, chuyển tuyến, đặc biệt là dịch vụ cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho mọi người dân có nhu cầu.” Sau lễ mít tinh, cùng với xe thông tin lưu động phát loa tuyên truyền. Gần 200 hội viên Hội nông dân các xã, phường thành phố Hòa Bình và cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã tham gia diễu hành trên các trục đường chính thành phố Hòa Bình. Đồng chí: Đinh Công Sứ - Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại lễ mít tinh