Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)
NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁ
Thứ tư - 22/06/2022 04:11
Với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo và người dân về Luật phòng chống tác hại thuốc lá và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe mỗi cá nhân và cộng đồng năm 2022. Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện 25 buổi Nói chuyện chuyên đề phòng chống tác hại của thuốc lá tại 25 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Trong các buổi nói chuyện chuyên đề, mỗi buổi có tổng số 50 người tham dự với thành phần tham dự gồm: đại diện các ban ngành, đoàn thể, người dân và đại diện doanh nghiệp trên địa bàn xã đã được nghe các đồng chí là Chuyên viên của Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế và các đồng chí lãnh đạo Khoa Truyền thông GDSK thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh chia sẻ các nội dung như: Luật phòng chống tác hại thuốc lá; Các loại thuốc lá trên thị trường hiện nay; Thành phần độc tính của khói thuốc; Nguy cơ bệnh tật của thuốc lá; tác hại của hút thuốc lá thụ động; Tình hình sử dụng thuốc lá và gánh nặng kinh tế; Quy định sử phạt vi phạm hành chính trong phòng chống tác hại thuốc lá… Tại các buổi nói chuyện chuyên đề đã có những ý kiến rất hay của người dân như: tại sao có quy định xử phạt khi vi phạm hành chính trong phòng chống tác hại thuốc lá mà vẫn có nhà máy sản xuất thuốc lá? Tại sao hút thuốc lá lại bị ung thư? Vì sao có người không hút thuốc lá lại tử vong từ khi còn rất trẻ còn có người nghiện thuốc lá, thuốc lào vẫn sống thọ trên 90 tuổi? Vì sao vẫn có địa phương trồng cây thuốc lá mà chính quyền địa phương không chuyển đổi sang trồng loại cây khác? Tại sao lại cấm người bán thuốc lá (theo quy định) mà đơn vị sản xuất thuốc lá và người tiêu dùng không cấm? Với những vấn đề còn vướng mắc trên của người dân đã được các giảng viên, tuyên truyền viên giải đáp thỏa đáng và giúp cho họ hiểu được nguy cơ gây bệnh của khói thuốc như: Ảnh hưởng của khói thuốc đến chức năng phổi, hút thuốc và nguy cơ mắc các bệnh: Ung thư phổi; tăng nhiễm vi rút; tăng lao phổi; tăng các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; bệnh tim mạch. Ngoài ra còn khói thuốc còn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản như: Nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc cao hơn so với người không hút; nguy cơ thai chết lưu cao; giảm cân nặng khi sinh của trẻ. Bên cạnh đó hút thuốc còn làm giảm khả năng tình dục; gây bất lực; tăng nguy cơ vô sinh ở cả nam và nữ… Việc hút thuốc thường xuyên là một trong những nguyên nhân gây nên nghèo đói và bệnh tật. Qua trao đổi với người dân được biết: Qua các cuộc nói chuyện chuyên đề về phòng chống tác hại thuốc lá, mọi người đều được nâng cao hiểu biết của mình về tác hại của khói thuốc. Tuy nhiên, để từ bỏ được việc hút thuốc như hiện nay không phải là việc một sớm một chiều có thể thực hiện được. Vì vậy đối với người hút thuốc rất cần có sự động viên của người thân trong gia đình, công tác tuyên truyền phải thường xuyên được triển khai thực hiện, đặc biệt hơn cả là sự quyết tâm của người hút thuốc, khi họ hiểu được hút thuốc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, kinh tế của gia đình mà còn ảnh hưởng tới tất cả các thành viên trong gia đình và xã hội, chắc chắn họ sẽ cai được thuốc lá, thuốc lào… mong rằng sẽ không còn ai sau khi bị mắc các căn bệnh nan y có liên quan tới khói thuốc mới nói ra câu “nếu biết có ngày hôm nay tôi đã từ bỏ thuốc lâu rồi”./.
Đồng chí: Xa Quốc Văn - Trưởng Khoa Truyền thông GDSK nói chuyện chuyên đề tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy