PHÒNG BỆNH GHẺ MÙA HÈ
Thứ ba - 25/04/2023 23:14
Bệnh ghẻ là bệnh ngoài da do ký sinh trùng, côn trùng gây nên. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn chiếu có ghẻ và trứng ghẻ. Nếu không vệ sinh cơ thể, nơi ở sạch sẽ, trẻ dễ bị ghẻ, gây ngứa ngáy, khó chịu gây viêm da.
Bệnh ghẻ thường xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp ở trẻ em hơn do trẻ hay nghịch bẩn và lây lan khi đi mẫu giáo, đi học… Người thường xuyên tiếp xúc, sinh hoạt chung như ngủ chung, dùng chung màn, khăn, chiếu, gối với người bị ghẻ dễ mắc bệnh.
Bệnh ghẻ thường sinh nở ở đầu, mặt, lòng bàn tay, bàn chân, kẽ ngón tay, cổ tay, nách, bụng, bộ phận sinh dục. Sẩn cục ghẻ có màu nâu, tập trung chủ yếu ở vùng sinh dục, có thể gặp ở nách, mông. Một số sẩn cục tồn tại dai dẳng dù ghẻ đã hết.
Thời gian ủ bệnh thường 4 - 6 tuần. Luống ghẻ là do cái ghẻ đào ở lớp sừng gờ cao hơn mặt da, màu trắng đục hay trắng xám ở đầu luống ghẻ có mụn nước, mụn nước sắp xếp rải rác, riêng biệt. Người bị bệnh sẽ ngứa, gãi thường gây nhiều tổn thương trên da như vết xước, sẩn, trợt, vảy tiết, mụn nước, mụn mủ, chốc hóa, sẹo thâm màu, bạc màu. Thương tổn dai dẳng gây biến chứng nhiễm khuẩn, chàm hóa.
Bệnh ghẻ có nguy hiểm không?
Bệnh ghẻ là bệnh lý không nguy hiểm, nhưng gây khó chịu và giảm chất lượng sống cho người nhiễm. Do cái ghẻ đào hầm về đêm nên bệnh nhân ngứa rất dữ dội gây mất ngủ. Mụn ghẻ gây mất thẩm mỹ do da nổi mụn nước, nốt sần đóng vảy và bong vảy da. Đặc biệt là ở các vị trí thường gặp: Các nếp gấp, kẽ ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, nách, bìu, dương vật, môi lớn, quầng vú ở nữ.
Trước đây bệnh lý này thường gặp nhiều hơn do vấn đề vệ sinh. Hiện nay tuy ít gặp, nhưng thực tế lâm sàng vẫn không ít ca bệnh, ngay tại thành phố người bệnh khi đi khám bệnh mới biết mình mắc bệnh ghẻ. Bệnh do ký sinh trùng xâm nhập ở lớp thượng bì của da, lây lan do tiếp xúc gần, trực tiếp với người mang mầm bệnh hoặc qua trung gian là các vật dụng dính trứng ghẻ, cái ghẻ (ngủ chung giường, dùng chung khăn, chung đồ chơi, vật dụng...).
Cách phòng bệnh ghẻ
Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh ghẻ là tránh tiếp xúc trực tiếp với da của người bị bệnh ghẻ. Vì thế, người dân không nên sử dụng quần áo hoặc khăn trải giường chung với người bị nhiễm ghẻ. Nguyên tắc điều trị bệnh ghẻ là phát hiện sớm, điều trị sớm khi bệnh chưa có biến chứng. Người bệnh không cào gãi vì có thể gây nhiễm khuẩn, cách ly người bệnh để tránh lây lan bệnh.
Cần vệ sinh, thay đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn tắm, chiếu, khăn trải giường hàng ngày (giặt ở nhiệt độ từ 50 độ C trở lên trong ít nhất 10 phút) cho trẻ, sau đó phơi, sấy khô, là ủi hai mặt nếu có thể rồi bịt kín trong túi, sử dụng lại sau khoảng 5 ngày.
Cái ghẻ ký sinh tại da gây ra bệnh ghẻ
CDC Hòa Bình