Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)
SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Thứ năm - 27/01/2022 02:42
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình, năm 2021 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 21 ca bệnh Sốt xuất huyết Dengue với 10 ổ dịch xuất hiện tại: Lương Sơn (03 ổ), TP Hòa Bình (01 ổ), Kim Bôi (5 ổ), Lạc Sơn(01 ổ). Đây là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm và thường gia tăng vào mùa mưa, với trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Aedes Aegypti. Sốt xuất huyết Dengue gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue: thường được gọi là muỗi vằn do có màu đen, thân và chân có những đốm trắng. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể bơi, chum, vại, lu, giếng nước, hốc cây, ở các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, lốp xe, vỏ dừa. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 4 giai đoạn 1. Giai đoạn ủ bệnh: 3 – 10 ngày (có thể kéo dài đến 14 ngày), thường không có triệu chứng. 2. Giai đoạn sốt: Người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục, có thể có cơn rét run, kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau mỏi cơ khớp và nhức hai hố mắt. Da xung huyết, thường có chấm xuất huyết dưới da, có thể có chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. 3. Giai đoạn nguy hiểm: thường vào ngày thứ 3 -7 của bệnh. Người bệnh còn sốt hoặc đã giảm sốt. Có thể có các biểu hiện lừ đừ, phù mi mắt, tràn dịch màng phổi, màng bụng, gan to, có thể đau, có thể có dấu hiệu của xuất huyết niêm mạc và các tạng. 4. Giai đoạn hồi phục: Sau 24 - 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm. Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, ăn ngủ khá hơn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều. Trong giai đoạn nguy hiểm có thể gặp các biến chứng sau: xuất huyết niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, sốc xuất huyết Dengue, thậm chí tử vong. Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là: Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy.
Cán bộ y tế phun hóa chất diệt muỗi phòng chống bệnh sốt xuất huyết Ngủ màn phòng muỗi đốt, hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp xe/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá. Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Thu Hương – CDC Hòa Bình (tổng hợp)