Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)
TĂNG CƯỜNG PHÒNG CHỐNG HIV TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19
Thứ năm - 25/11/2021 23:04
Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay có chủ đề: “Tăng cường phòng, chống HIV trong bối cảnh đại dịch Covid-19” với mục tiêu: Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục, đặc biệt là các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Để đạt được mục tiêu đó, ngành Y tế đã tham mưu cho UNBD tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương triển khai tích cực các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh. Trung tâm KSBT tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động và giám sát hỗ trợ kỹ thuật các đơn vị tuyến huyện tổ chức thực hiện Tháng hành động theo tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, nhất là việc triển khai các hoạt động tại các phòng khám và điều trị ARV. Tại tỉnh Hòa Bình đã triển khai khám chữa bệnh, điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS từ năm 2004, tính đến 30/10/2021 Hòa Bình đang điều trị cho 1.008 bệnh nhân HIV/AIDS tại 05 cơ sở điều trị là Bệnh viện đa khoa tỉnh, TTYT huyện Lạc Sơn, TTYT Mai Châu, TTYT Kim Bôi và TTYT Lương Sơn. Bệnh nhân HIV/AIDS được xét nghiệm theo dõi, tư vấn, khám định kỳ hằng tháng và được hỗ trợ mua thẻ BHYT từ nguồn kinh phí địa phương. Các phòng khám đều đảm bảo 100% BN HIV có thẻ BHYT. Công tác điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở điều trị đều đạt chất lượng khá tốt, cụ thể là trên 95% bệnh nhân HIV/AIDS sau điều trị đều có kết quả xét nghiệm tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Trao đổi với Bác sĩ Phùng Văn Lợi – Trưởng phòng khám ngoại trú HIV/AIDS, TTYT huyện Lương Sơn được biết: Người sống chung với HIV (người có HIV – người nhiễm HIV) đang điều trị ARV hiệu quả có nguy cơ mắc COVID-19 tương tự như người không nhiễm HIV. Người có H không điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng vi rút HIV trên ngưỡng ức chế đều có nguy cơ bị bệnh nặng hơn những người khác. Ngoài ra công tác tuyên truyền vận động, giáo dục sức khỏe, chăm sóc người nhiễm HIV tại tuyến cơ sở cũng đã góp phần rất quan trọng vào kết quả điều trị HIV/AIDS tại địa phương. Bác sĩ Nguyễn Thị Nghĩa- Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Năm 2021 do tình hình dịch Covid diễn biến còn nhiều phức tạp nên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị thường trực PC HIV/AIDS cũng tham mưu cho Sở Y tế xây dựng Kế hoạch Tháng Hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS của tỉnh với các nội dung trọng tâm: thứ nhất là Truyền thông bằng nhiều hình thức nhưng chủ yếu truyền thông gián tiếp, không mít tinh, diễu hành, không tập trung đồng người mà chủ yếu xây dựng phóng sự phát trên truyền hình, In đĩa CD, phát trên loa phát thanh, treo băng rôn, phát tờ rơi; Thứ 2 là tăng cường tư vấn xét nghiệm HIV trong nhóm đối tượng nguy cơ cao, phát hiện ca nhiễm mới, giới thiệu chuyển tiếp đến cơ sở điều trị, tư vấn bệnh nhân tiêm vắc xin Phòng Covid-19; Thứ 3 là giám sát hỗ trợ kỹ thuật. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh các dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS qua nguồn quỹ BHYT, dự trù đủ nguồn thuốc ARV trong tình hình dịch covid 19, cấp phát thuốc 2 tháng, đảm bảo BN được nhận đủ thuốc, không giãn đoạn thuốc. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, do tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên TTYT các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch và các mô hình phương án cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong các tình huống khác nhau tùy theo diễn biến dịch để đảm bảo người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV tiếp cận liên tục và an toàn, tuần thủ điều trị. Vận động, hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận và được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cũng như tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS nhất là với các địa phương bị giãn cách xã hội hoặc phong tỏa do dịch Covid-19. Bài, ảnh: Kim Tuất – CDC Hòa Bình