THÔNG TIN, GIÁO DỤC, TRUYỀN THÔNG VỀ PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁ
Thứ ba - 06/05/2025 05:23
Thuốc lá từ lâu đã được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, bệnh tim mạch và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người hút, thuốc lá còn gây tác hại nặng nề đến những người xung quanh và cộng đồng. Trong bối cảnh đó, công tác truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân, hướng tới mục tiêu giảm thiểu tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong xã hội.
Ngày 18/6/2012, Quốc Hội đã ban hành Luật số 09/2012/QH13 về việc Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Luật được Quốc hội thông qua gồm có 5 chương và 35 Điều và có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2013.
Theo quy định tại khoản 1, 2, điều 10 của Luật:
1. Thông tin, giáo dục, truyền thông phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Cung cấp thông tin một cách công khai, khoa học, chính xác, khách quan về thuốc lá và tác hại của thuốc lá;
b) Đa dạng hóa nội dung, hình thức và kênh thông tin phù hợp với đối tượng được thông tin, giáo dục, truyền thông.
2. Thông tin, giáo dục, truyền thông bao gồm các nội dung sau đây:
a) Chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá;
b) Tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ của người sử dụng, trẻ em, phụ nữ mang thai, người khác chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá, môi trường sống và kinh tế - xã hội;
c) Tác hại của việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá giả và mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe người sử dụng và kinh tế - xã hội;
d) Các biện pháp cai nghiện thuốc lá, lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá và môi trường sống không có khói thuốc lá;
đ) Quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Thông tin, giáo dục, truyền thông là biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá hiệu quả, tác động đến người dân, nhằm nâng cao nhận thức, tiến đến thay đổi hành vi hút thuốc lá cũng như phòng ngừa, giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Các biện pháp truyền thông hiệu quả khiến người dân thực sự hiểu tác hại của thuốc lá thì sẽ góp phần dẫn đến thay đổi hành vi, giảm sử dụng…
Hình ảnh buổi truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá cho người dân tại xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình
Thanh Huyền (CDC Hòa Bình)