Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết trong thông cáo dịch tễ hôm 25-5 rằng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại các nước vốn hiếm ghi nhận loại bệnh này đã lên đến 219 người, hãng AFP đưa tin.
ECDC cho biết hơn 10 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu, đã báo cáo ít nhất một ca mắc đậu mùa khỉ. Đây là lần đầu tiên chuỗi lây nhiễm này được ghi nhận ở châu Âu - vốn không có mối liên quan dịch tễ nào với khu vực Tây hoặc Trung Phi, nơi bệnh này lưu hành.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết không có lý do gì khiến công chúng hoảng sợ vì bệnh đậu mùa khỉ không giống như COVID-19 và không dễ lây lan. Dưới đây là một số thông tin về căn bệnh này, tờ South China Morning Post đưa tin.
Các tổn thương trên da do đậu mùa khỉ gây ra. Ảnh: AFP
Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Bệnh đậu mùa khỉ do virus cùng họ với virus gây ra bệnh đậu mùa ở người và ở bò gây ra.
Căn bệnh này được phát hiện lần đầu vào năm 1958 trên những con khỉ được nuôi nghiên cứu. Ca đầu tiên ở người được ghi nhận ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970. Kể từ đó, các trường hợp trên người đã xuất hiện ở các nước Trung Phi và Tây Phi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận hai chủng bệnh: chủng Tây Phi nhẹ hơn - bao gồm tất cả các trường hợp gần đây - và chủng Trung Phi, hoặc Congo, nặng hơn.
Triệu chứng ra sao?
Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ sẽ gặp các triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa. WHO cho biết các nhà chức trách nên cảnh báo nếu mọi người phát ban bất thường và phát triển một hoặc nhiều triệu chứng sau: nhức đầu, sốt trên 38,5 độ C, sưng hạch bạch huyết, đau cơ bắp và nhức mỏi cơ thể, đau lưng hoặc suy nhược cơ thể bất thường.
Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày và chứng phát ban thường xuất hiện trong vòng 1 đến 3 ngày sau khi phát sốt. Các nốt ban thường tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mặc dù chúng cũng có thể ảnh hưởng đến bên trong miệng và cơ quan sinh dục.
Bệnh nhân thường hồi phục trong vòng vài tuần. Các trường hợp nghiêm trọng xảy ra phổ biến hơn ở trẻ em, triệu chứng sẽ còn tồi tệ hơn nếu trẻ em bị suy giảm hệ miễn dịch.
Theo WHO, tỉ lệ tử vong khi mắc bệnh là khoảng 3 đến 6%.
Lây truyền thế nào?
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền từ động vật sang người, và có thể lây sang nhiều loài động vật khác, bao gồm chuột, khỉ, sóc.
Mặc dù hiện vẫn chưa rõ nguồn lây chính xác, nhưng các loại gặm nhấm được cho là nguồn lây đáng nghi nhất. Bệnh có thể lây sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, chất dịch hoặc vết thương của động vật mắc bệnh.
Tuy nhiên, bệnh không dễ lây lan giữa người với người. Những trường hợp lây từ người sang người sẽ xảy ra khi tiếp xúc gần, chẳng hạn như trò chuyện trực tiếp, mặt đối mặt trong thời gian dài, chạm vào vùng da bị tổn thương hay dịch cơ thể người bệnh, hay lây gián tiếp qua tiếp xúc với quần áo hay khăn trải giường của người bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng việc lây nhiễm có thể xảy ra khi tiếp xúc thân mật.
Có nên lo lắng?
Anh, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã ghi nhận số ca mắc cao nhất trong đợt bùng phát hiện nay và WHO cho rằng sẽ xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm hơn trong thời gian tới.
WHO cảnh báo rằng cần phải nhanh chóng nâng cao nhận thức người dân và cải thiện việc chăm sóc, cách ly và truy vết tiếp xúc đối với các trường hợp nhiễm bệnh, song nhấn mạnh rằng không có lý do gì gây ra hoảng loạn.
Bà Maria Van Kerkhove - chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm của WHO - cho biết: “Đây là một tình huống có thể tránh khỏi. Chúng tôi có thể ngăn chặn sự lây nhiễm giữa người với người ở các quốc gia không ghi nhận ca nhiễm”.
Ông Andrea Ammon - Giám đốc (ECDC) - cho biết khả năng bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm trong cộng đồng là rất thấp. Các quan chức Mỹ cũng có nhận định tương tự.
Có vaccine không?
Theo SCMP, hai loại vaccine được phê duyệt cho bệnh đậu mùa có thể được sử dụng để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ mặc dù các nhà khoa học tin rằng không cần phải tiêm phòng cho công chúng.
Một trong hai loại vaccine là Jynneos, do hãng dược Bavarian Nordic (Đan Mạch) sản xuất, đã được phê duyệt ở Mỹ vào năm 2019 và hiện có 1.000 liều trong kho dự trữ của chính phủ Mỹ.
Loại vaccine đậu mùa cũ hơn, tên là ACAM2000, hiện do hãng dược BioSolutions (Mỹ) sản xuất, có một số tác dụng phụ đáng kể và có thể gây rủi ro cho những người bị ức chế miễn dịch (giảm kích hoạt hoặc hiệu quả của hệ thống miễn dịch), chẳng hạn như người bị nhiễm HIV, và thậm chí gây tử vong cho những người bị bệnh chàm.
Kim Tuất (tổng hợp theo Báo mới)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn