TẬP HUẤN SỬ DỤNG HỆ THỐNG PHÂN HỆ CHƯƠNG TRÌNH LAO
Thứ sáu - 15/03/2024 03:51
Năm 2024 được coi là “năm của hy vọng” để toàn thế giới đẩy nhanh nỗ lực và hành động phòng chống lao. Với chủ đề “ĐÚNG! VIỆT NAM CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO” thể hiện sự quyết tâm và niềm tin rằng việc chấm dứt lao là hoàn toàn có thể. Muốn thanh toán lao vào năm 2035, Việt Nam sẽ cần đến sự nỗ lực và chung tay của toàn cộng đồng và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Bắt đầu từ năm 2019, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hợp tác với Chương trình chống Lao Quốc gia NTP để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát hiện, điều trị và báo cáo những người mắc lao chưa được phát hiện trong cộng đồng. Một trong những hợp phần quan trọng là nâng cấp hệ thống VITIMES để có thể giám sát chương trình chống lao một cách toàn diện. Ngày 30/11/2023, USAID thông qua Dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao và Chương trình Lao Quốc gia Việt Nam (NTP) đã ra mắt hệ thống giám sát và quản lý thông tin bệnh lao phiên bản nâng cấp-VITIMES.
Trên cơ sở đó, ngày 15/3/2024 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức lớp tập huấn “Sử dụng phân hệ Lao nhạy cảm và Lao tiềm ẩn trên hệ thống Vitimes phiên bản nâng cấp” cho các cán bộ phụ trách của 12 đơn vị trên địa bàn tỉnh (gồm 10 trung tâm Y tế huyện, thành phố; bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung tâm cai nghiện số 1).
Vitimes là Hệ thống giám sát và quản lý thông tin bệnh lao được Chương trình chống Lao quốc gia xây dựng và triển khai từ năm 2010. Hiện tại, Vitimes đang được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố và hơn 900 cơ sở y tế tuyến quận, huyện và tương đương trên toàn quốc với chức năng chính là quản lý các báo cáo, số liệu quan trọng của Chương trình chống Lao quốc gia, phục vụ việc theo dõi, giám sát, nghiên cứu khoa học, lập kế hoạch, ra quyết định.
Vừa qua, Vitimes nâng cấp là một hệ thống thông tin điện tử toàn diện về bệnh lao, tích hợp đầy đủ các phân hệ, bao gồm các mô-đun dữ liệu, quản lý phát hiện, điều trị lao nhạy cảm, lao kháng thuốc và lao tiềm ẩn.
Việc nâng cấp hệ thống Vitimes giúp Chương trình chống Lao quốc gia kiện toàn, chuẩn hoá hệ thống giám sát và quản lý thông tin, sẵn sàng để kết nối trao đổi dữ liệu với nhiều hệ thống khác hiện tại, trong tương lai. Các dữ liệu của Chương trình chống Lao quốc gia được quản lý tập trung trên một hệ thống sẽ tạo thuận lợi trong việc quản lý, cung cấp và phân tích số liệu, giúp cho việc ra quyết định được kịp thời, chính xác hơn.
Thu Hương (CDC Hoà Bình)