CẦN PHÁT HIỆN SỚM BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Thứ tư - 16/04/2025 05:09
Ở mọi lứa tuổi, khi thấy các triệu chứng bất thường như: Đi tiểu nhiều lần, số lượng nước tiểu tăng; Luôn cảm thấy đói và ăn nhiều, uống nhiều; Sút cân đột ngột; Mệt mỏi không rõ nguyên nhân; Vết thương lâu lành hoặc dễ bị nhiễm trùng; Chuột rút bắp chân ban đêm, thấy có cảm giác kiến bò, kim châm ở đầu chi, mắt nhìn mờ… Có thể cùng lúc có nhiều triệu chứng xuất hiện, nhưng cũng chỉ cần 1 triệu chứng như trên thì bạn nên đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện chuyên khoa Nội tiết để được khám và làm các xét nghiệm cần thiết.
Đối với những người thừa cân béo phì, đặc biệt là béo bụng cũng có thể gây nhiễm mỡ trong gan, tuỵ, tác động xấu đến việc tiết insulin ở tuyến tuỵ. Insulin là chất có vai trò đưa glucose đến các tế bào của cơ thể, giúp cho tế bào hoạt động và đồng thời giúp duy trì tỷ lệ đường trong máu ở mức cân bằng. Khi việc sản xuất insulin bị ngưng trệ hoặc bị rối loạn sẽ dẫn đến bệnh đái tháo đường. Do vậy, đối với những người thừa cân, béo phì cũng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường rất cao.
Ngoài ra, bệnh đái tháo đường còn liên quan đến yếu tố gia đình. Chẳng hạn, trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường thuộc thế hệ cận kề như: khi con mắc bệnh đái tháo đường thì bố mẹ và anh chị em ruột của bệnh nhân cũng cần đi kiểm tra xem mình có nguy cơ bị mắc bệnh hay không.
Các cách phòng bệnh Đái tháo đường
1. Kiểm soát cân nặng: Kiểm soát trọng lượng cơ thể bằng cách giảm cân, qua đó giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo những người bị tiền đái tháo đường (đường huyết tăng cao nhưng chưa đạt ngưỡng chẩn đoán tiểu đường) nên giảm ít nhất 7% – 10% trọng lượng cơ thể để ngăn ngừa bệnh tiến triển.
2. Tăng cường vận động thể lực: Hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ tốt cho việc phòng bệnh đái tháo đường mà còn mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể. Nên duy trì 30 phút tập luyện mỗi ngày hoặc 150 phút/tuần, tăng dần mức độ tập từ trung bình đến cao. Các môn thể thao có thể tham khảo như đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe hoặc chạy.
3. Ăn các loại rau quả tốt cho sức khỏe: Ngũ cốc, các loại hạt cung cấp vitamin, khoáng chất và ít carbohydrate. Những thực phẩm carbohydrate chứa ít đường, tinh bột (nguyên liệu tạo nguồn năng lượng cho cơ thể) và nhiều chất xơ đem lại nhiều lợi ích trong việc phòng ngừa bệnh đái tháo đường. Tránh các loại thực phẩm chứa nhiều đường, ít chất xơ/chất dinh dưỡng như bánh mì trắng và bánh ngọt, nước ép trái cây, thực phẩm chế biến chứa đường…
4. Nói không với thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng 50% nguy cơ mắc đái tháo đường so với người không hút thuốc, đặc biệt ở nữ giới. Do đó, nên bỏ hút thuốc/không hút để phòng ngừa đái tháo đường. Người bệnh đái tháo đường không nên hút thuốc lá, hạn chế ở gần khu vực khói thuốc lá.
5. Hạn chế uống rượu, bia: Uống rượu, bia quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Việc sử dụng rượu quá nhiều có thể gây viêm tụy mãn tính, giảm khả năng tiết insulin vốn có nhiệm vụ kiểm soát lượng đường trong máu, dẫn đến bệnh đái tháo đường.
6. Thường xuyên kiểm tra lượng đường: Cùng với các cách phòng bệnh đái tháo đường trên, thì nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên để theo dõi sức khỏe.

Người có nguy cơ nên thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu nhằm phát hiện sớm bệnh Đái tháo đường
Kim Tuất (CDC Hòa Bình)