Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)
HƯỚNG DẪN TẠM THỜI ĐIỀU TRỊ NGƯỜI BỊ F0 TẠI NHÀ
Thứ sáu - 18/02/2022 10:36
Ngày 18/02/2022, Sở Y tế đã ban hành công văn số 521/SYT-NVD gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố về việc hướng dẫn tạm thời điều trị người bị F0 tại nhà. Để đảm bảo việc điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ tại nhà hiệu quả, đúng qui định, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đề nghị Đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố thực hiện một số nội dung sau: 1. Khuyến cáo cho người dân là các đối tượng F0 thể nhẹ đang điều trị tại nhà tự trang bị một số thuốc thiết yếu như sau: - Thuốc hạ sốt, giảm đau: Loại cho người lớn Paracetamol 250mg hoặc 500mg và loại cho trẻ em Paracetamol 80mg hoặc 100mg hoặc 150mg hoặc 250mg dạng gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống. - Thuốc oresol đền bù điện giải - Thuốc Vitamin C hoặc Vitamin 3B 2. Sử dụng thuốc điều trị tại nhà. a. Điều trị triệu chứng: Phải được kê đơn điều trị triệu chứng - Sốt + Đối với người lớn: ≥ 38,50C hoặc đau đầu, đau người nhiều: uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như Paracetamol 500mg, có thể uống lặp lại sau ít nhất từ 4-6h (nếu còn sốt), ngày uống không quá 4 viên, uống kèm oresol nếu kém ăn/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước. + Đối với trẻ em: ≥ 38,50C, uống thuốc hạ sốt Paracetamol loại cho trẻ em liều từ 10-15mg/kg/lần, có thể uống lặp lại sau ít nhất từ 4-6h (nếu còn sốt). - Ho: Dùng thuốc giảm ho khi ho khan nhiều. Chú ý: Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, yêu cầu người mắc Covid-19 thông báo ngay cho cơ quan quản lý người mắc Covid-19 tại nhà để được xử trí. b. Khám, chữa bệnh, kê đơn điều trị ngoại trú do Trạm Y tế lưu động hoặc đội y tế lưu động hoặc Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. c. Đối với thuốc kháng vi rút, thuốc chống viêm Corticosteroid và thuốc chống đông máu được sử dụng điều trị tại các cơ sở y tế. 3. Các phương pháp bổ trợ bằng Y học cổ truyền. a. Sát khuẩn/vệ sinh tại chỗ vùng mũi họng. Sử dụng dung dịch có nguồn gốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền để súc họng, xịt mũi họng, xông mũi họng nhẵm làm sạch đường hô hấp trên. b. Xông nơi ở, nơi làm việc * Phương pháp 1: - Nguyên liệu: Sả, Chanh, Bạc hà, Húng quế, Gừng, Tỏi, lá Bưởi, Kinh giới, Tía tô, Tràm gió... - Liều dùng, cách dùng: Có thể dùng 1 loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều dược liệu, mỗi loại 200-400g, tùy theo diện tích phòng. Cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ 30 phút, đóng cửa phòng 20 phút. Ngày làm 2 lần sáng, chiều. * Phương pháp 2: - Nguyên liệu: Sử dụng tinh dầu: Sả, Chanh, Bạc hà, Hương nhu, Bưởi, Tràm, Quế...được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành. - Liều dùng, cách dùng: Tùy diện tích phòng (từ 10-40m2 ) lấy lượng tinh dầu phù hợp khoảng từ 2-4ml, hòa tan tinh dầu trong Ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 đến 3 lần. Lưu ý: Không được xông trực tiếp vào người, không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người dị ứng với tinh dầu. Kim Tuất – CDC Hòa Bình (tổng hợp)