MỘT SỐ BỆNH LÝ THƯỜNG GẶP Ở TRẺ MÙA NẮNG NÓNG
Thứ tư - 31/05/2023 23:27
Thời tiết nắng nóng và oi bức không chỉ làm cho trẻ cảm thấy mệt mỏi, uể oải, chóng mặt… mà còn có thể gây ra nhiều bệnh lý như: viêm đường hô hấp, viêm phổi, đồng thời gia tăng các ca ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa.
Khám cho trẻ tại trạm y tế xã Độc lập, thành phố Hòa Bình
Cảm nắng, say nắng
Đây là căn bệnh nguy hiểm do nắng nóng. Khi bị say nắng, trẻ thường có dấu hiệu mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu… Thân nhiệt của trẻ có thể lên tới 39,5 độ hoặc cao hơn. Các dấu hiệu khác như da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi), mạnh nhanh… Tình trạng nặng hơn là trẻ hôn mê, rối loạn ý thức. Say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc di chứng thần kinh nặng nề nếu không được điều trị kịp thời.
Các bệnh về tiêu hoá
Dụng cụ ăn uống (bát đũa, cốc nước, bình sữa…), tay cầm nắm thức ăn không được vệ sinh sạch sẽ; cách thức bảo quản thực phẩm không đúng, người chăm sóc để đồ ăn bên ngoài nhiệt độ thường làm cho chúng bị ôi thiu hoặc lên men… là những nguyên nhân gây các bệnh về tiêu hóa.
Ngoài ra, mùa nắng nóng, ẩm tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và ruồi nhặng gây bệnh và lây lan mầm bệnh nhanh chóng. Tiêu chảy và suy dinh dưỡng tạo thành một vòng xoắn bệnh lý: tiêu chảy dẫn đến bệnh suy dinh dưỡng và khi trẻ bị suy dinh dưỡng lại có nguy cơ cao bị tiêu chảy. Tiêu chảy nếu để lâu, kéo dài sẽ gây ra hiện tượng mất nước và điện giải liên tục.
Các bệnh về hô hấp
Trong mùa hè, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh đường hô hấp dưới như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, viêm phế quản tăng nhiều.
Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh hô hấp mùa nắng nóng là do các gia đình thường mở quạt lớn, hạ nhiệt độ điều hòa thấp dẫn đến khô vùng mũi họng, làm khô các chất nhầy bảo vệ đường hô hấp. Ngoài ra, nếu ra vào liên tục, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột rất dễ gây viêm mũi họng, viêm xoang. Đặc biệt, để giảm bớt cái nóng, uống nước đá, ăn kem và tắm nước lạnh nhiều cũng dễ dẫn đến bệnh về đường hô hấp.
Các bệnh về da
Nắng nóng sẽ làm cho tuyến mồ hôi và các chất nhầy hoạt động nhiều để giảm nhiệt và thải độc tố, tạo nên những vùng ẩm ướt ở các vùng da lưng, trán, dưới cổ, kẽ ngón tay, khu vực dưới cánh tay, cổ chân, bẹn, … Sự ứ đọng, tích tụ dưới lỗ chân lông của cơ thể kết hợp cùng các loại vi khuẩn, gây ra bệnh nấm ngứa, rôm sảy, mụn nhọt, viêm nhiễm cho da…
Các bệnh truyền nhiễm
Thời điểm giao mùa, có những lúc độ ẩm trong không khí cao, điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh như bệnh tay- chân – miệng. Đa phần bệnh có diễn biến nhẹ như sốt nhẹ, tiêu chảy, nổi nốt phỏng li ti ở miệng hay mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Hầu hết bệnh tự khỏi, tuy nhiên một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng, các biến chứng, nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và có thể gây tử vong nhanh chóng. Ngoài ra, trẻ cũng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, thuỷ đậu, sốt xuất huyết… đều có thể để lại di chứng về sau nếu không kịp thời phát hiện và điều trị sớm.
Vì vậy, để phòng bệnh mùa nắng nóng, ngoài việc uống nhiều nước, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thân thể, giữ môi trường sống sạch sẽ, nên đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng và các mũi tiêm cần thiết khác.
Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được phát hiện và xử trí kịp thời. Đi khám bệnh bác sỹ chuyên khoa sớm để được tư vấn và xử trí đúng cách, tuyệt đối không sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sỹ.
Thu Hương (CDC Hòa Bình)