Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)
CẢNH BÁO DỊCH CÚM A XUẤT HIỆN BẤT THƯỜNG
Thứ năm - 21/07/2022 22:02
Bình thường vào mùa hè, bệnh cúm mùa ít xuất hiện, rất hiếm khi mới gặp một ca bệnh, do thời tiết khô nóng không thích hợp về nhiệt độ, độ ẩm cho virus cúm phát triển và gây bệnh. Loại virus này thường phát triển mạnh vào mùa đông xuân ở điều kiện thời tiết lạnh, nồm ẩm. Tuy nhiên, thời điểm từ cuối tháng 6 đến nay, các bệnh viện tại Hà Nội tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân suy hô hấp và nhiều biến chứng khác liên quan đến cúm A. Hòa Bình tiếp giáp với Hà Nội, dễ có nguy cơ lây lan dịch cúm A. Cúm A là gì? Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông - xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa (cúm mùa). Bệnh cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9... Bệnh lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng... Cúm A lây lan nhanh, dễ hình thành các biến chứng mới và gây ra đại dịch. Virus cúm A, nhất là cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống đến 48h trên bề mặt các vật dụng thông thường như tay nắm cửa, bề mặt tủ, bàn ghế… tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Đặc biệt, virus cúm A có thể sống đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C. Dấu hiệu nhận biết cúm A Dấu hiệu của cúm A ban đầu giống như cảm lạnh thông thường với những triệu chứng như: chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt xì, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể... Có thể kèm theo các dấu hiệu khác như sốt, viêm họng, đau đầu, mệt mỏi nhiều hơn. Trường hợp sốt do cúm A đã kéo dài nhiều ngày, chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng thì có thể gây tức ngực, khó chịu và hay xuất hiện ho khan. Ngoài ra, trẻ nhiễm cúm A thường sốt cao 39-40oC, da mắt sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ, trẻ mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, nhiều trường hợp nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản... Khi trẻ có những biểu hiện trên, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chẩn đoán bệnh. Phần lớn những trẻ mắc cúm mùa được chẩn đoán là cúm đơn thuần sẽ được kê đơn thuốc về điều trị ngoại trú, những trường hợp có biểu hiện của biến chứng viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản sẽ có chỉ định nhập viện điều trị. Khi mắc cúm A, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng và dễ hấp thu, uống thuốc hạ sốt, thuốc điều trị triệu chứng (thuốc ho, thuốc cảm chống nghẹt mũi), vitamin (đặc biệt là vitamin C) hỗ trợ tăng sức đề kháng... Lưu ý, các thuốc được sử dụng phải do bác sĩ chỉ định, người bệnh không được tự ý sử dụng. Cách phòng ngừa cúm A Cách tốt nhất để phòng ngừa lây nhiễm virus cúm A là thực hiện những giải pháp như sau: Xây dựng lối sống lành mạnh, luyện tập thể thao điều độ để tăng cường sức khỏe; Tăng cường thực phẩm giàu vitamin để cải thiện sức đề kháng, nhất là vào thời điểm giao mùa; Thường xuyên rửa tay để giữ vệ sinh, ngăn ngừa lây bệnh; Bệnh nhân nhiễm cúm A nên tránh ra khỏi phòng hoặc tiếp xúc với người thân trong gia đình, nhất là với những người dễ có nguy cơ nhiễm cúm. Trong trường hợp bắt buộc ra khỏi phòng để tắm rửa, vệ sinh, khám bệnh,... cần chú ý đeo khẩu trang che kín mũi và miệng. Cách tốt nhất để phòng cúm A là nên tiêm vắc xin ngừa virus cúm hàng năm. Trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể tiêm vắc xin phòng bệnh cúm. Các chuyên gia khuyến cáo: phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm vắc xin cúm càng sớm càng tốt, người lớn và trẻ em nên tiêm nhắc cúm hàng năm để phòng bệnh dịch. Đặc biệt, phụ nữ mang thai trong giai đoạn 3 tháng đầu, cơ thể có nhiều biến đổi, suy giảm hệ miễn dịch. Do đó phụ nữ trước khi mang thai cần tiêm vắc xin ngừa cúm để bảo vệ cho cả mẹ và con trong suốt thai kỳ và những tháng đầu sau sinh, giúp giảm nguy cơ bệnh lý ở thai nhi, bảo vệ sức khỏe trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng cúm. Thu Hương (CDC Hòa Bình) (tổng hợp)