Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)
TĂNG CƯỜNG XÉT NGHIỆM GIANG MAI CHO PHỤ NỮ MANG THAI
Thứ năm - 21/10/2021 22:33
Đó là khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm giảm nguy cơ lây truyền bệnh giang mai từ mẹ sang con, căn bệnh có liên quan đến 200.000 thai chết lưu hàng năm trên thế giới. Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu thanh toán bệnh HIV, giang mai lây truyền từ mẹ sang con vào năm 2030 thông qua xét nghiệm sàng lọc, điều trị.
Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại Trung tâm Y tế huyện Tân Lạc Tại tỉnh Hòa Bình, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính đến hết quý III/2021, đã có 95,8% phụ nữ đẻ được xét nghiệm HIV trong thời kỳ mang thai; 91,9% phụ nữ đẻ được xét nghiệm viêm gan B trong thời kỳ mang thai và chuyển dạ; 37% phụ nữ đẻ được xét nghiệm giang mai trong thời kỳ mang thai và chuyển dạ. Đây là 3 xét nghiệm rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, đặc biệt cần quan tâm và tăng cường hơn chỉ số xét nghiệm về giang mai, hiện vẫn còn khá thấp so với các xét nghiệm khác. Mắc bệnh giang mai trong thời kỳ mang thai có thể có hậu quả nghiêm trọng như sinh non, đa ối, tử vong thai nhi và giang mai bẩm sinh. Nguy cơ nhiễm trùng bào thai trước sinh hoặc bệnh lý giang mai bẩm sinh ở trẻ nhỏ tùy thuộc vào các giai đoạn mắc bệnh giang mai trong thai kỳ, nguy cơ cao nhất xảy ra ở tam cá nguyệt thứ nhất và tam cá nguyệt thứ hai. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi vẫn có thể xảy ra ở những phụ nữ mang thai mắc bệnh giang mai tiềm ẩn muộn. Thai nhi bị lây bệnh của mẹ khi còn nằm trong tử cung, nên khi đẻ ra đã mắc bệnh. Bệnh xuất hiện dưới nhiều hình thái khác nhau gồm: - Giang mai bẩm sinh sớm: xuất hiện trong 2 năm đầu mang tính chất của giang mai thời kỳ 2 với triệu chứng như bỏng nước, bong vẩy loàng bàn tay, chân, sổ mũi, viêm xương sụn, giả liệt Parot… - Giang mai bẩm sinh muộn: xuất hiện khi bé trên 2 tuổi và mang tính chất của giang mai thời kỳ 3 với các triệu chứng như viêm giác mạc kẽ ở trẻ dậy thì, điếc cả 2 tai ở trẻ 10 tuổi… Giang mai bẩm sinh đôi khi không có các triệu chứng trên, chỉ có thủng vòm miệng, mũi tẹt, trán dô, xương chày lưỡi kiếm,… đó là di chứng của Giang mai bẩm sinh do các thương tổn từ trong bào thai đã liền sẹo. Sản phụ nên đi khám thai định kỳ và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra sàng lọc theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi quản lý sức khỏe của mẹ và bé. Thu Hương – CDC Hòa Bình