BẮT BUỘC PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN CHẬM NHẤT LÀ CUỐI NĂM 2024
Thứ ba - 01/10/2024 22:51
Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ chính thức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn.
Đây là một bước quan trọng nhằm giảm lượng chất thải, bảo vệ môi trường, mang lại ảnh hưởng tích cực đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường thiên nhiên.
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, tuy nhiên, việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn và thu giá dịch vụ thu gom rác sinh hoạt được kéo dài đến cuối năm 2024. Việc thực hiện này phải được hoàn thành chậm nhất là vào ngày 31/12/2024.
Theo đó, hiện nay lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh ngày càng lớn, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên đất, làm tăng chi phí xử lý chất thải của cả Nhà nước và người dân.
Việc phân loại CTRSH giúp giảm đi một lượng rác thải ra môi trường, giảm ô nhiễm, tiết kiệm nhiều khoản chi phí khác như thu gom, vận chuyển và xử lý. Mang lại nguồn kinh tế lớn từ các chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế. Chất thải thực phẩm được sử dụng làm phân bón, thức ăn chăn nuôi...
Theo quy định của Điều 75 Luật BVMT 2020, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại thành 3 nhóm: chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; và chất thải rắn sinh hoạt khác.
Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn là một bước quan trọng để xây dựng môi trường sống trong sạch và bền vững cho thế hệ tương lai. Các cơ quan quản lý, cùng cộng đồng dân cư được kêu gọi hợp tác chặt chẽ để đảm bảo sự thành công của quá trình này và góp phần vào việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của đất nước.
Thu Hương (CDC Hòa Bình)