Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN LAO PHỔI
Chủ nhật - 12/06/2022 22:56
Kết hợp điều trị với dinh dưỡng hợp lý sẽ mang đến hiệu quả cao trong điều trị bệnh lao phổi. Tuy nhiên, nhiều bệnh lao phổi chưa biết thế nào là một chế độ dinh dưỡng tốt, cần bổ sung chất gì và hạn chế món gì. Dưới đây là các thông tin hữu ích về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân lao phổi. 1. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh lao phổi Khi bị tấn công bởi các vi khuẩn, vi trùng lao phổi, phổi của người bệnh bị tổn thương gây ra sự mệt mỏi, ho liên tục, sức đề kháng yếu dần, miễn dịch giảm dần gây ra tình trạng chán ăn, thiếu chất dinh dưỡng dẫn tới sụt cân. Do vậy chú trọng cải thiện chế độ dinh dưỡng của người mắc bệnh lao phổi sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị, người bệnh nhanh chóng hồi phục. Khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân lao phổi cần lưu ý: Thức ăn trong bữa ăn cần đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: đường, đạm, dầu mỡ vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó ưu tiên cung cấp lượng đường có trong quả chín để thải độc gan, hạn chế tác dụng phụ của thuốc. Các món ăn cần đa dạng để dễ hấp thu, đầy đủ dưỡng chất, tạo sự kích thích ăn uống bởi người bệnh dễ chán ăn do tác dụng phụ của thuốc điều trị lao phổi. Bệnh nhân lao phổi nên kiêng các đồ ăn cay nóng như gừng, ớt vì các loại này sẽ khiến tình trạng ho nặng và kéo dài hơn, thậm chí dẫn đến khạc đờm ra máu. Không uống bia rượu, các chất kích thích, cà phê, trà đặc, không hút thuốc lá vì người bệnh lao phổi dễ xảy ra tình trạng sốt kéo dài, rối loạn thần kinh và ra mồ hôi trộm, đặc biệt còn làm giảm tác dụng điều trị và tăng tác dụng phụ của thuốc. Bệnh nhân lao phổi nên hạn chế thức ăn nhiều mỡ, các thức ăn chế biến sẵn. 2. Thực đơn tham khảo cho bệnh nhân lao phổi trong 1 ngày Bữa sáng nên dùng những món ăn nhẹ, dễ ăn như cháo, phở, miến, mì, chút hoa quả mềm. Bên cạnh đó, có thể bù nước và muối khoáng nhanh chóng cho cơ thể bằng việc uống thêm nước dừa. Bữa trưa cần bổ sung vào thực đơn nhiều rau xanh, tăng các món mặn chứa nhiều protein như thịt lợi, thịt gà, thịt vịt... Bữa chiều tối nên ăn các thực phẩm tốt cho cơ thể và có tác dụng đào thải độc tố nhanh chóng như cá, đậu phụ, cà chua... 3. Chăm sóc người bệnh lao phổi tại nhà: Phải cách ly người bệnh, hạn chế tiếp xúc với những thành viên khác trong gia đình và cộng đồng. Người bệnh luôn đeo khẩu trang che mũi, miệng khi phải giao tiếp với người khác. Khi ho hoặc hắt hơi cần phải che miệng, khạc đờm đúng nơi quy định và đờm phải được xử lý theo đúng phương pháp (ví dụ như chôn, đốt, thả bồn cầu xả nước). Hạn chế tối đa hoặc không đến những nơi cộng cộng, đông người và hạn chế các cuộc gặp gỡ không thực sự cần thiết ( trừ trường hợp đi khám bệnh định kỳ)... không tiếp xúc với những người có hệ miễn dịch kém như trẻ em, người già, bệnh nhân HIV/AIDS, người bị các bệnh đái tháo đường, suy thận,...
4. Người bị bệnh lao cần thực hiện: Dùng phối hợp các thuốc chống lao và thực hiện nguyên tắc 3Đ (Đúng liều, đều đặn cùng giờ hàng ngày, đủ thời gian). Không nên tự ý ngừng, thêm hoặc đổi thuốc. Thông báo ngay cho cán bộ y tế khi thấy có những biểu hiện bất thường như buồn nôn, ù tai, chóng mặt, vàng da, chán ăn... Tái khám đúng hẹn và làm đủ các xét nghiệm trong quá trình điều trị. Duy trì điều trị khi đi xa hoặc thay đổi nơi ở. Thực hiện các biện pháp phòng lây bệnh cho người xung quanh. Tập luyện, sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất để nâng sức chống đỡ với bệnh. Không hút thuốc lá, không uống rượu bia. 5. Các lưu ý khác: - Nghỉ ngơi: Ngủ đủ mang lại hiệu quả nghỉ ngơi tốt nhất. Thời gian ngủ lý tưởng của bệnh nhân lao phổi là trưa ngủ 1-2 tiếng, tối ngủ 7-8 tiếng. - Vệ sinh cá nhân: Cần phải cho bệnh nhân tắm giặt và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thay quần áo mỗi ngày. Có thể hỗ trợ nếu người bệnh không làm được nhưng cần đeo khẩu trang cẩn thận để tránh lây nhiễm. - Vận động: Có thể thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng như tập thể dục, đi bộ nhưng tránh nơi đông người.
Kỹ thuật viên Trung tâm y tế huyện Đà Bắc thực hiện chụp Xquang cho người bệnh