Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)
LAO TIỀM ẨN – NGUY HIỂM NẾU PHÁT HIỆN MUỘN
Chủ nhật - 12/06/2022 22:53
Khám chẩn đoán mắc bệnh lao tiềm ẩn là biện pháp giúp phát hiện sớm những người có nguy cơ mắc bệnh lao. Đặc biệt là đối với những người đã có thời gian tiếp xúc gần với người mắc bệnh lao phổi, để từ đó có biện pháp phòng ngừa và can thiệp hiệu quả. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh từ 1/10/2021- 24/5/2022, tổng số bệnh nhân lao trong toàn tỉnh đang được quản lý và điều trị là 195 bệnh nhân. Trong đó, bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học là 92; bệnh nhân lao phổi không có bằng chứng vi khuẩn học là 39 và bệnh nhân lao ngoài phổi là 64. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm nay, tổng số bệnh nhân lao phát hiện mới là 66 bệnh nhân. Trong đó, 26 trường hợp lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học; 18 trường hợp lao phổi không có bằng chứng vi khuẩn học; 22 trường hợp lao ngoài phổi không có bằng chứng vi khuẩn học. Điều đó có nghĩa rằng sẽ có nhiều trường hợp là những người tiếp xúc như người chăm sóc bệnh nhân, người trong cùng hộ gia đình nếu không tuân thủ các biện pháp phòng bệnh thì sẽ có nguy cơ trở thành lao tiềm ẩn là rất lớn. Bác sĩ Đinh Thị Minh Thu – Thư ký Chương trình phòng chống Lao, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Vi khuẩn lao truyền nhiễm từ người nay sang người khác qua không khí, khi người mắc bệnh lao phổi ho, nói chuyện, hắt hơi,... Nếu người tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi hít vào không khí có vi khuẩn lao, thì vi khuẩn sẽ vào phổi. Hệ miễn dịch con người sẽ ngăn chặn lại làm cho vi khuẩn bất hoạt và không thể gây bệnh. Tuy nhiên, người mắc lao tiềm ẩn có nguy cơ mắc bệnh lao, nếu hệ miễn dịch bị suy giảm. Do đó, hệ thống miễn dịch là yếu tố quan trọng giữ cho vi khuẩn lao ở trạng thái bất hoạt và ngăn cản vi khuẩn sinh sôi. Nếu người mắc lao tiềm ẩn trở thành lao hoạt tính thì lúc này, người đó sẽ có khả năng lây bệnh cho người khác. Từ năm 2022, tỉnh Hòa Bình bắt đầu triển khai các hoạt động nhằm chủ động phát hiện lao tiềm ẩn bao gồm thực hiện truyền thông và chương trình huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể tại cộng đồng đối với hoạt động sàng lọc lao và phát hiện chủ động lao, lao tiềm ẩn. Đồng thời, triển khai sàng lọc lao tiềm ẩn thường kỳ cho người tiếp xúc với những người bệnh lao phổi dương tính và những nhóm nguy cơ cao”. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, những người có nguy cơ cao chuyển từ lao tiềm ẩn thành bệnh lao gồm: Những người tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi trong hộ gia đình; Người nhiễm HIV; Người mắc bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận mạn, ung thư; Người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticoid, hóa chất điều trị ung thư; Người nghiện ma túy, rượu, thuốc lá và thuốc lào. Do vậy, người có nguy cơ cao cần chủ động xét nghiệm để sớm phát hiện lao tiềm ẩn và được điều trị kịp thời.
Lao tiềm ẩn không có biểu hiện của bệnh lao. Do đó, để chẩn đoán một người mắc lao tiềm ẩn cần xét nghiệm tìm vi khuẩn lao và xét nghiệm xác định không bị mắc lao. Có thể xét nghiệm lao qua da hay còn gọi là phản ứng Mantoux nhằm đánh giá tình trạng nhiễm lao và định hướng chẩn đoán bệnh lao tiềm ẩn, bệnh lao hoặc làm xét nghiệm thử máu IGRA.
Người bị lao tiềm ẩn cần được điều trị vì vi khuẩn lao trên cơ thể có thể nhân lên và gây bệnh khi cơ thể yếu đi. Điều trị lao tiềm ẩn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh lao tới 90%. Đặc biệt, khi điều trị cần thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ với nguyên tắc 3Đ: Dùng thuốc đúng liều lượng; Dùng thuốc đều đặn (uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để đạt hấp thu thuốc tối đa); Dùng thuốc đủ thời gian quy định (3 tháng hoặc 6 tháng). Cần tái khám hàng tháng tại cơ sở y tế và thông báo ngay cho cán bộ y tế khi thấy có những biểu hiện bất thường như buồn nôn, nôn, ù tai, chóng mặt, vàng da và chán ăn.
Cán bộ Khoa Xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm Lao Bài, ảnh: Kim Tuất – CDC Hòa Bình