Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình (CDC Hòa Bình)
TRIỂN KHAI MÔ HÌNH XÉT NGHIỆM THALASSEMIA TẠI CÁC TRẠM Y TẾ
Thứ hai - 13/06/2022 04:30
Ngày 09/5/2022 phòng Dân số - Truyền thông & Giáo dục sức khỏe, Trung tâm y tế huyện Lạc Thủy tổ chức Hội nghị triển khai Mô hình xét nghiệm phòng bệnh tan máu bẩm sinh tại các trạm Y tế trên địa bàn huyện Lạc Thủy, giai đoạn 2021-2025. Đến dự Hội nghị có các đại biểu của Chi cục Dân số: Bs chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh phương - Chi cục trưởng chi cục Dân số tỉnh Hòa Bình; BSCKI: Phạm Văn Hiệu - Đảng ủy viên - Phó giám đốc TTYT Lạc Thủy, Các đồng chí phòng Dân số - Truyền thông & Giáo dục sức khỏe, Chuyên trách dân số các xã, thị trấn, và đại diện Cộng tác viên Dân số thôn bản. Mục tiêu chung của Mô hình là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chủ động phòng bệnh tan máu bẩm sinh, giảm thiểu các trường hợp mắc bệnh, giảm gánh nặng bệnh tật góp phần nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nâng cao tuổi thọ bình quân của người dân huyện Lạc Thủy nói riêng, và tỉnh Hòa Bình nói chung. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% trạm y tế xã trong toàn huyện triển khai Mô hình xét nghiệm phòng bệnh tan máu bẩm sinh tại trạm Y tế, đảm bảo cho người dân được tiếp cận dịch vụ thuận tiện, ngay tại địa phương. 100% trường hợp phát hiện mang gen bệnh được quản lý, theo dõi, cung cấp kiến thức, tư vấn để phòng bệnh tan máu bẩm sinh cho thế hệ sau. 70% vị thành niên/thanh niên được cung cấp kiến thức cơ bản về phòng bệnh tan máu bẩm sinh.
Ảnh 1. Bs Phạm văn Hiệu - Phó giám đốc TTYT Lạc Thủy phát biểu khai mạc hội nghị Tại hội nghị các đồng chí giảng viên đã trình bày những kiến thức cơ bản về bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh). Bệnh Thalassemia là bệnh thiếu máu tán huyết di truyền hay thiếu máu tán huyết bẩm sinh. Biểu hiện chính của bệnh là thiếu máu, lách to, gan to, biến dạng xương mặt, chậm phát triển, suy tim do thiếu máu. Tại huyện Lạc Thủy có 42 trường hợp mắc bệnh đã được phát hiện. Hầu hết các trường hợp này hàng tháng đều phải điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh và viện Huyết học truyền máu Trung ương. Bệnh thalassemia là bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh được, do vậy việc phòng tránh, tìm hiểu và được tư vấn, tầm soát gen bệnh sớm trước kết hôn sẽ hạn chế được nguy cơ sinh ra những trẻ mang gen hoặc bị bệnh, giảm gánh nặng bệnh tật, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Ảnh 2. Bs.chuyên khoa I Bùi Thị Thu Thanh cung cấp những kiến thức cơ bản về bệnh Thalassemia Bs.chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh phương - Chi cục trưởng chi cục Dân số tỉnh Hòa Bình triển khai "Mô hình xét nghiệm phòng bệnh tan máu bẩm sinh tại các trạm Y tế trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021-2025". Để Mô hình xét nghiệm phòng bệnh tan máu bẩm sinh tại các trạm Y tế sau khi triển khai đem lại kết quả cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban Chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ các cấp về phòng bệnh tan máu bẩm sinh. Sựphối hợp với các Ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt công tác phòng bệnh tan máu bẩm sinh, từ đó góp phần giảm thiểu các hậu quả do bệnh tan máu bẩm sinh gây ra, giảm áp lực kinh tế, tâm lý cho gia đình và xã hội, nâng cao chất lượng dân số; Sau khi triển khai Mô hình tại huyện, dự kiến trong tháng 6/2022, Trung tâm Y tế huyện Lạc Thủy sẽ phối hợp với Chi cục Dân số - KHGĐ tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trạm Y tế các xã, thị trấn, tổ chức lấy máu xét nghiệm sàng lọc gen bệnh tan máu bẩm sinh tại cộng đồng. Cộng tác viên Dân số đã đến từng hộ gia đình tư vấn xét nghiệm, đến thời điểm hiện tại đã có 215 người đăng ký xét nghiệm.
Ảnh 3. Bs.chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh phương - Chi cục trưởng chi cục Dân số tỉnh triển khai nhiệm vụ của cộng tác viên với Mô hình. Thu Hường (Trung tâm Y tế huyện Lạc Thủy)