CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG
Thứ năm - 15/12/2022 22:10
Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt của người dân cũng như vệ sinh môi trường hiện nay rất thuận lợi cho sự phát triển và lây nhiễm của các bệnh ký sinh trùng.
Trong giai đoạn 2021-2025, bệnh ký sinh trùng được xác định là một vấn đề lớn về sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam, ghi nhận tỷ lệ mắc cao một số bệnh ký sinh trùng ở nhóm đối tượng nguy cơ. Điều kiện kinh tế, vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, tập quán vệ sinh, sinh hoạt còn nhiều hạn chế, đặc biệt tại các vùng nông thôn và miền núi. Cùng với đó là tình trạng biến đổi khí hậu, hiện tượng đô thị hóa, thay đổi lối sống, thói quen ăn uống cũng là yếu tố tác động tiêu cực đến tình hình bệnh ký sinh trùng tại cộng đồng. Đặc biệt là việc sử dụng thực phẩm, thói quen ăn thức ăn sống hoặc chưa nấu chín tại nhiều vùng miền tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến gia tăng số nhiễm bệnh ký sinh trùng truyền qua thức ăn và gây ra gánh nặng bệnh tật tại cộng đồng. Trong đó đáng lưu ý là bệnh sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, sán dây/ấu trùng sán lợn, ấu trùng giun đũa chó mèo, ấu trùng giun lươn, ấu trùng giun đầu gai, ấu trùng giun xoắn....
Theo số liệu của Bộ Y tế, tỉ lệ nhiễm chung giun truyền qua đất của cả nước khoảng 30%, trong đó khu vực miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên có tỉ lệ nhiễm cao nhất với trên 50%, tiếp đến là các tỉnh khu vực miền Trung khoảng 30-50%, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng khoảng 10-30% và nhiễm thấp nhất là các tỉnh khu vực miền Nam khoảng 10-20%. Các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao là trẻ em mầm non, học sinh và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Một số ngành nghề thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất có tỉ lệ nhiễm cao hơn như người làm nghề trồng lúa, trồng rau, hoa mầu, làm rừng.
Hiện nay, trẻ ở lứa tuổi mầm non bị lây nhiễm giun kim từ bạn trong cùng lớp học, ghi nhận sự lây nhiễm ở hầu hết các địa phương bao gồm cả tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế phát triển. Nhiễm giun lươn gặp ở đa số người thường xuyên tiếp xúc với đất và không sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động, nhiễm giun lươn nặng, nhiễm giun lươn gây suy đa phủ tạng và có thể gây tử vong.
Tại một số địa phương, người dân có tập quán, thói quen ăn gỏi cá, thịt lợn tái, thịt bò tái, tiết canh, gan lợn tái, cua nướng và rau thủy sinh chưa được nấu chín, cùng với sự gia tăng của giao lưu ẩm thực giữa các vùng miền là những yếu tố thuận lợi gây mắc các bệnh sán như sán lá gan, sán lá phổi, sán dây, ấu trùng sán lợn... trong cộng đồng.
Để phòng chống bệnh ký sinh trùng, người dân cần thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch, ăn uống hợp vệ sinh, cho trẻ uống thuốc tẩy giun sán theo hướng dẫn, định kỳ 2 lần/năm, vận động những người có nguy cơ đi khám để phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được uống thuốc tẩy giun tại trạm y tế thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn
Trong năm 2022, được sự hỗ trợ của dự án hợp tác y tế giữa Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới, Hòa Bình đã triển khai cho học sinh tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh uống thuốc tẩy giun vào tháng 10 và cho phụ nữ độ tuổi sinh sản (15-45 tuổi) vào tháng 11 vừa qua. Kết quả chiến dịch, đã có 86.635 học sinh, đạt tỷ lệ 99,92%; Và 183.371 phụ nữ độ tuổi sinh sản, đạt tỷ lệ 95,58% được uống thuốc tẩy giun. Nguồn thuốc tẩy giun Mebendazole 500mg do Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ. Đây là thuốc có kháng phổ rộng, tẩy được nhiều loại giun, an toàn cho người sử dụng.
Thu Hương (CDC Hòa Bình)