Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế (áp dụng cho miền núi), các trạm đạt chuẩn về Y học cổ truyền phải có vườn hoặc trồng thuốc nam trong chậu mẫu tại trạm y tế gồm ít nhất 40 loại cây trở lên trong danh mục quy định của Bộ; tỷ lệ bệnh nhân được khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền hoặc kết hợp với y học hiện đại trên tổng số bệnh nhân khám chữa bệnh tại trạm đạt từ 30% trở lên; thực hiện việc điều trị bằng phương pháp YHCT không dùng thuốc, đặc biệt tại những nơi có cán bộ YHCT chuyên trách. Trạm y tế xã có đủ điều kiện và khả năng chuyên môn để thực hiện thường xuyên các dịch vụ kỹ thuật theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Căn cứ Quy định phân tuyến kỹ thuật và Danh mục kỹ thuật trong khám chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành cho y tế tuyến xã theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013, tỷ lệ các dịch vụ được thực hiện tính trên tổng số dịch vụ của các nhóm chức năng, nhiệm vụ chủ yếu được giao đạt từ trên 50% đến 60%.
Hiện nay, phần lớn các xã được công nhận chuẩn quốc gia về y tế đều chưa đạt được điểm tối đa về Y học cổ truyền. Đạt điểm cao nhất là huyện Lạc Sơn, Mai Châu, Tân Lạc (đạt trên 90%). Trước thực trạng đó, Sở Y tế Hòa Bình triển khai mô hình xã điểm tiên tiến về y học cổ truyền. Vườn thuốc nam tại các TYT đều trồng trên 40 loại cây thuốc có gắn biển tên theo các nhóm và hiện đang phát triển tốt. Có bảng hướng dẫn tác dụng, bộ phận dùng của từng loại cây thuốc. Phần lớn các TYT đều có y, bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền tham gia công tác khám chữa bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền với đầy đủ các dụng cụ khám chữa bệnh như máy điện châm, kim châm cứu, tranh châm cứu, đèn hồng ngoại…. Các trạm y tế đều phấn đấu nâng tổng số bệnh nhân được khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền trong tổng số người điều trị lên trên 30%.
Cán bộ TYT xã Kim Bôi (Kim Bôi)
Thường xuyên chăm sóc vườn thuốc nam.
Hồng Dung – CDC Hòa Bình