KHÔNG NÊN CHỦ QUAN VỚI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Thứ tư - 18/01/2023 03:36
Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hoá mạn tính, đặc trưng bởi sự tăng đường máu do thiếu hụt insulin tương đối hay tuyệt đối gây ra.
Đái tháo đường là một trong ba bệnh tăng lên song hành với tuổi già đó là: Bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo đường. Đái tháo đường gây nên một loạt các rối loạn chuyển hoá trước hết là rối loạn chuyển hoá glucid làm glucose máu tăng cao và xuất hiện glucose trong nước tiểu. Rối loạn chuyển hoá đường kéo theo rối loạn chuyển hoá lipid, protid và các chất điện giải. Những rối loạn này gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho người bệnh hoặc có thể dẫn tới hôn mê và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 3,5 triệu người mắc đái tháo đường. Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Tại tỉnh Hòa Bình, theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có tổng số 10.393 người được phát hiện đái tháo đường. Tổng số bệnh nhân được quản lý là 8.758 người. Trong đó, số bệnh nhân được cấp thuốc là 4.874 bệnh nhân và số bệnh nhân điều trị đạt mục tiêu là 3.985 người.
Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với bệnh nhân Vũ Ngọc Dũng – 70 tuổi, cư trú tại Tiểu khu 8 – Thị trấn Lương Sơn – huyện Lương Sơn. Được biết, bệnh nhân Dũng có thâm niên điều trị bệnh tiểu đường đã 25 năm. Ông chia sẻ: “Trước đây, tôi có một người bạn là bác sĩ ở Hà Nội đến thăm, sau khi nhìn biểu hiện của tôi đã khuyên tôi đi khám bệnh đái tháo đường. Ngày ấy sức khỏe tôi bình thường nên không nghĩ mình sẽ bị mắc bệnh này. Nhưng khi có kết quả trong tay, tôi đã bị suy sụp tinh thần rất nhiều. Do tính chất công việc, tôi phải di chuyển nhiều nơi, vì vậy thuốc điều trị tiểu đường của tôi có những lúc bị hỏng do thời tiết quá nóng. Và đó cũng là lý do tôi đã bị biến chứng vào bàn chân, các ngón chân của tôi bị tê bì đã dần mất đi cảm giác, gây lở loét. Rất may mắn tôi đã điều trị kịp thời nên bàn chân tôi không bị hoại tử và dần dần bình phục. Tôi duy trì điều trị từ đó tới nay, song vài năm trước tôi lại bị biến chứng vào mắt, mắt của tôi bị đau nhức và nhìn bị mờ vì vậy tôi đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Nội tiết tỉnh Hòa Bình (trước đây, nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) tận tâm điều trị và lần nữa tôi may mắn đã thoát khỏi mù lòa do biến chứng của bệnh tiểu đường. So với nhiều người bệnh tiểu đường, tôi có lẽ là người rất may mắn nhất bởi sau 2 lần bị biến chứng vào bàn chân và mắt, nhất là thời gian tôi mắc bệnh tiểu đường đã 25 năm chưa kể thời gian trước đó khi tôi chưa phát hiện ra mình mắc bệnh mà đến nay sức khỏe của tôi vẫn rất khỏe mạnh, nếu không nói khó ai biết tôi bị mắc bệnh tiểu đường.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Cơ – Chuyên Khoa Đái tháo đường và các bệnh tuyến giáp, Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: “Đối với bệnh Tiểu đường gồm có các biến chứng: về mắt, về tim mạch, về thần kinh, về thận và bàn chân. Vì vậy đối với người bệnh tiểu đường cần có chế độ tập luyện và ăn uống hợp lý, thường xuyên theo dõi đường huyết và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ…là những biện pháp rất cần thiết cho bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng một cách hiệu quả”.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Cơ thực hiện tư vấn cho bệnh nhân
Minh Thủy (CDC Hòa Bình)