Tết là thời điểm nhu cầu sử dụng rượu bia gia tăng trong các buổi liên hoan, tất niên, sum họp gia đình, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn.
Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau:
Mức độ nhẹ: Hưng phấn thần kinh, giảm khả năng tự kiềm chế bản thân, đi đứng loạng choạng…
Ngộ độc nặng: Hôn mê, nôn nhiều, vã mồ hôi, thở yếu hoặc ngừng thở dẫn đến suy hô hấp, hạ huyết áp, mạch nhanh, rối loạn nhịp tim, trụy mạch, hạ thân nhiệt, co giật,… có thể tử vong nếu không được cấp cứu.
Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm. Nguy cơ càng tăng với hậu quả khó lường đối với sức khỏe nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa nhiều methanol có thể gây mù mắt và tử vong.
Không chỉ dịp Tết, uống rượu, bia thời gian dài sẽ có thể dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, rối loại tiêu hóa do tổn thương gan và ruột đặc biệt gây thoái hóa gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan.
Đối với hệ tim mạch, uống rượu bia gây nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở những người có huyết áp cao. Ngoài ra, uống nhiều rượu, bia còn gây mất trí nhớ, rối loạn tinh thần.
Phụ nữ mang thai uống rượu, bia cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của chính mình. Chất cồn sẽ khiến mẹ say xỉn, mệt mỏi, đau đầu, gây rối loạn về thể chất, tinh thần và có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu trong bụng mẹ, sinh non, ngộ độc cho thai nhi, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của trẻ.
Trước những tác hại của rượu bia gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người như vậy, trong Luật Phòng, chống tác hại rượu bia quy định một số hành vi nghiêm cấm như sau:
- Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
- Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia
- Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
- Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữ giờ làm việc, học tập.
- Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
- Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu bia đối với sức khỏe.
Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền và các ngày lễ hội Xuân, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến nghị đối với người có uống rượu, bia trong dịp Tết cổ truyền hoặc dịp lễ hội như sau:
Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống.
Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc.
Phải uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,…
Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.
Phòng tránh ngộ độc rượu bằng cách:
- Hạn chế uống rượu bia, chỉ uống có điều độ những sản phẩm rượu, bia, đồ uống có cồn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có uy tín trên thị trường và được chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn.
- Tuyệt đối không tiêu thụ các loại rượu, đồ uống có cồn không rõ nguồn gốc và xuất xứ.
- Hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống có cồn ngâm các loại thảo dược, cây cỏ, động vật khi không biết rõ công dụng, nguồn gốc, các loại rượu chưng cất thủ công. Bởi lẽ, những loại rượu này có thể chứa hàm lượng cao độc tố tự nhiên, aldehyde và furfural, những chất có thể gây ngộ độc cấp và mạn tính.
Minh Thủy (CDC Hòa Bình)