HỘI THẢO BỆNH GIUN RỒNG DRACUNCULUS TẠI VIỆT NAM
Thứ năm - 10/04/2025 05:23
Ngày 10/4, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo “Bệnh giun rồng Dracunculus tại Việt Nam” tại thị xã SaPa, tỉnh Lào Cai.
Tham gia Hội thảo gồm các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, lãnh đạo và chuyên viên của Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế; Viện Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương; Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn; Viện Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP Hồ Chí Minh; Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương; Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh; Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai; Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện đa khoa các tỉnh Hoà Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hoá, Yên Bái và một số trung tâm y tế huyện có ca bệnh…
Về phía tỉnh Hoà Bình có đồng chí Bùi Thu Hằng – Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tham dự Hội thảo.

Theo báo cáo của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, Việt Nam ghi nhận 25 trường hợp mắc giun rồng tại 19 xã của 11 huyện thuộc 5 tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hoá, Yên Bái. Tại Hoà Bình đã ghi nhận 1 trường hợp tại phường Trung Minh, Thành phố Hoà Bình.

Một số đặc điểm của bệnh nhân nhiễm giun rồng Dracunculus sp. tại Việt Nam bao gồm: Thói quen ăn tái, sống động vật thuỷ sinh; Đi làm rừng, đánh bắt, uống nước lã tại nơi làm; Có triệu chứng khởi phát: Nổi mẩn, ngứa, nốt phồng rộp; Đau cơ; Nốt sưng tấy khu trú; Đau, bỏng rát nốt sưng tấy; Sưng nề toàn bộ chi; Có đầu giun tại nốt sưng tấy; Tự kéo giun ra…
Bệnh giun rồng không có vắc xin để phòng bệnh. Biến chứng của bệnh nhân nhiễm giun rồng gây đau ở vết phồng rộp. Nếu không được chăm sóc thích hợp, vết thương thường bị nhiễm trùng do vi khuẩn dẫn đến Viêm mô tế bào: da đỏ, sưng, đau; Áp xe; Nhiễm khuẩn huyết; Nhiễm trùng khớp có thể khiến khớp bị cứng và biến dạng; Nhiễm trùng uốn ván. Mặc dù tỷ lệ tử vong thấp, nhưng nhiễm giun rồng gây khuyết tật là khá phổ biến.
Dự báo trong thời gian tới, vẫn có thể xuất hiện các bệnh nhân nhiễm giun rồng Dracunculus sp. mới. Những khó khăn, thách thức đối với công tác phòng chống nhiễm giun rồng ở Việt Nam đó là không có dự báo trước, chẩn đoán trước về người nhiễm giun. Yếu tố nguy cơ ban đầu được xác định là do ăn gỏi cá, ăn cá, ếch, rắn chưa được nấu chín và uống nước lã hiện vẫn tồn tại khá phổ biến. Kỹ năng phát hiện, theo dõi và xử lý ca bệnh tại cộng đồng tại các tuyến còn hạn chế.

Trong thời gian tới cần tập trung vào hoạt động: Tập huấn cho cán bộ Y tế các tuyến, đồng thời tăng cường giáo dục truyền thông, phòng chống bệnh tại cộng đồng cho các vùng có nguy cơ nhiễm bệnh.
Tại tỉnh Hoà Bình, Hội thảo khuyến nghị cấp có thẩm quyền sớm xây dựng kế hoạch và triển khai cung cấp nguồn nước sạch cho các vùng có nguy cơ cao, nhất là khu vực phường Trung Minh, thành phố Hoà Bình – nơi ghi nhận bệnh nhân nhiễm giun rồng vừa qua.
Thu Hương (CDC Hoà Bình)